11:13 05/11/2014

Lơ là sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt "méo mặt" để đòi lại

Trong hành trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam từ chỗ lơ là, giờ đã thấm thía hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu, cũng như việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trong hành trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam từ chỗ lơ là, giờ đã thấm thía hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu, cũng như việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Và những câu chuyện về thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc… đã trở thành “bài học xương máu” để tới cuộc hội thảo doanh nghiệp “Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế, xu hướng và giải pháp”, do VCCI, Tập đoàn Versign, Công ty CP Mắt Bão phối hợp tổ chức sáng 5/11 tại Hà Nội, đã có hơn 200 doanh nghiệp tham gia, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp từ các địa phương cũng lặn lội về để nghe xu hướng và tìm giải pháp.

Quang cảnh hội thảo.

Những bài học đắt giá

Bài tham luận về”Xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong thương mại điện tử”, do ông Trần Văn Hải- trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia) trình bày ngay mở đầu hội thảo, đã thu hút được sự chú ý của đông đảo đại diện doanh nghiệp, cũng như đại diện các cơ quan chức năng vì tính thực tiễn của nó. Đó là câu chuyện về thương hiệu c à phê Buôn Ma Thuột. Năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê với số đăng bạ là 00004 (gần như là những doanh nghiệp đầu tiên được cấp). 

Có giấy chứng nhận, nhưng trong một khoảng thời gian rất dài, chúng ta đã không phát triển chỉ dẫn “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê” ra thị trường các nước có khả năng tiêu thụ cà phê của chúng ta,trong khi đó, Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd của Trung Quốc đã đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Trung Quốc” và “BUON MA THUOT COFFEE 1869 & logo”. Chính vì vậy, khi sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam quyết định “ra biển lớn” thì đã ngay lập tức “dính búa tạ” với vụ vi phạm bản qyền thương hiệu.

 “Trong vụ việc này, rất may là chúng ta đã có cơ hội lấy lại thương hiệu “Buôn Ma Thuột cho cà phê”, bởi lẽ căn cứ vào điều 10.8 Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc, thì trong các cuộc hội thảo về cà phê Buôn Ma Thuột, được tổ chức tại Buôn Ma Thuột, đã có sự tham dự của tham tán kinh tế Trung Quốc- người đại diện cho giới doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo điều 16 của Luật này, thì ở Trung Quốc không có sản phẩm cà phê nào được chỉ dẫn tới địa danh Buôn Ma Thuột cả. Chính vì thế, khả năng chúng ta sẽ dành lại được quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho cà phê”. Nhưng giả định rằng Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd của Trung Quốc đã sử dụng Công ước Paris, Thỏa ước Madrid, Nghị định thư Madrid để phát triển 2 nhãn hiệu trên ra nước ngoài, thì lúc đó, trường hợp thứ nhất là chúng ta chỉ có thể dành lại quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho cà phê” tại các nước có Luật nhãn hiệu tương tự như Luật nhãn hiệu của Trung Quốc. Còn trường hợp thứ 2, xấu hơn, là chúng ta sẽ vĩnh viễn mất quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho cà phê” tại các nước không có Luật nhãn hiệu tương tự như Luật nhãn hiệu của Trung Quốc”, ông Trần Văn Hải phân tích.

Từ bài học “Buôn Ma Thuột” cho cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ “thấm thía” để hiểu, chúng ta không thể không nghĩ tới việc ra biển lớn, dù khi vẫn còn là thuyền nhỏ, bởi vậy, ngay từ bây giờ, vấn đề phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ đã phải được quan tâm tới rồi. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hải, các doanh nghiệp có quan tâm, nhưng chưa đủ “chuyên nghiệp”. Đơn cử như việc xây dựng khẩu hiệu kinh doanh (một phần quan trọng của việc xây dựng thương hiệu), thì hầu hết các khẩu hiệu hiện nay đều na ná nhau, thiếu bản sắc. Nhiều doanh nghiệp ngay khi chọn tên cũng đã tính không hết về việc “hội nhập”. “Ngân hàng Công thương Việt Nam là một ví dụ, khi thành lập năm 1988, Ngân hàng có tên giao dịch là Incombank và lấy tên thương mại này làm nhãn hiệu dịch vụ mà không đăng ký với Cục SHTT. Trong khi đó, đến năm 1993, một ngân hàng thương mại của Nga đã đăng ký nhãn hiệu INKOM Bank, trong đó có chỉ định tại Việt Nam. Chính vì thế, khi phát triển lên và muốn xuất khẩu tài chính, ngân hàng ra thị trường nước ngoài, Incombank đã buộc phải đổi tên thành Viettinbank và mất đi gần 20 năm xây dựng thương hiệu của mình, ông Hải chia sẻ.

Bà Lương Thị Thanh Hương, giám đốc điều hành Công ty CP Mắt Bão Network tại miền Bắc: "Các tên miền quốc tế đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh trực tuyến, và .com được quản lý bởi tập đoàn Verisign- nhà cung cấp tên miền lớn nhất thế giới. Verisign đã chứng minh năng lực là chuyên gia hàng đầu trong việc quản lý cơ sở hạ tầng các tên miền .com với khả năng vận hành chính xác và ổn định tuyệt đối trong suốt 15 năm qua. .com với tính sẵn có, đáng tin cậy và mức độ ổn định cao sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi sử dụng tên miền này".

Theo bà Thanh Hương, một tên miền.com có thể được mua với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ trong tổng chi phí thành lập doanh nghiệp, nhưng lại là khoản đầu tư đáng giá nhất, giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy  trang web trực tuyến của doanh nghiệp vào bất cứ lúc nào, kể cả khi doanh nghiệp đó vẫn đang phát triển trong nước hay đã mở rộng ra nước ngoài. "Với khả năng vận hành ổn định tuyệt đối trong hơn 1 thập kỷ qua, .com là tên miền được nhiều chuyên gia quốc tế khuyên dùng nhất", bà Thanh Hương nhấn mạnh.Cũng là một câu chuyện thương hiệu nữa và dù chỉ xảy ra trong nước, nhưng cũng là bài học lớn cho các doanh nghiệp. Đó là câu chuyện về CLB bóng đá Vinakansai, do tập đoàn Xi măng Vinakansai đầu tư. Tháng 7/2007, Tập đoàn xi măng này nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu, nhưng không được chấp nhận, vì trước đó, tháng 7/2006, Công ty CP thép có trụ sở tại Hải Phòng đã sở hữu nhãn hiệu này rồi. Và vì thế, cả tập đoàn và đội bóng đều đã phải đổi tên thành Xi Măng The Vissai Ninh Bình.

Cần chuyên nghiệp hóa

Theo đại diện VCCI, để không “vấp ngã” trong lĩnh vực phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp cần có nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý là các đối tượng độc lập, không mặc nhiên coi tên thương mại là nhãn hiệu. Cùng với đó, trước khi tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và quảng cáo cho nhãn hiệu, cần khảo sát kỹ thị trường. “Và khi đã khảo sát xong, phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay”, đại diện này khuyến cáo.

Còn theo ông Trần Văn Hải, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia), khi hoạt động tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần nắm được nguyên tắc bảo hộ độc lập của Công ước Paris, tận dụng nguyên tắc quyền ưu tiên của Công ước này. Bên cạnh đó, nếu đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, thì doanh nghiệp có thể vận dụng thêm thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa (hiệu có 52 quốc gia tham gia và VIệt Nam đã tham gia từ năm 1949).Trường hợp đã nộp đơn nhưng chưa được cấp chứng nhận thì sử dụng Nghị định thư liên quan Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa (Việt Nam là thành viên của Nghị định thư này). “Cuối cùng, nhãn hiệu do Cục SHTT cấp chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, muốn xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ sang nước nào, doanh nghiệp nhất thiết phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia đó”, ông Hải nhấn mạnh.

P.V