06:10 11/06/2011

Lỡ hẹn, chưa phải là chấm hết

Tuần qua, Liên hợp quốc đã chính thức thừa nhận các cuộc thương lượng toàn cầu về biến đổi khí hậu không thể đáp ứng thời hạn chót là cuối tháng 12/2012 để đạt được Hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Tuần qua, Liên hợp quốc đã chính thức thừa nhận các cuộc thương lượng toàn cầu về biến đổi khí hậu không thể đáp ứng thời hạn chót là cuối tháng 12/2012 để đạt được Hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Giả định lý tưởng là có thể đạt được Hiệp ước vào thời điểm hiện nay thì cũng không còn đủ thời gian để 75% số nước thành viên LHQ phê chuẩn để hiệp ước có hiệu lực.

Rõ ràng, những nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm ngăn chặn Trái Đất nóng lên là chưa đủ. Thế giới vẫn đang phải chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc về cấu trúc địa lý và môi trường, khiến Trái Đất khó tiếp tục duy trì sự tiến bộ của nhân loại. Những tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm gia tăng nghèo đói, bệnh tật và kéo lùi tốc độ phát triển. Sau khi Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) kết thúc, không ít chuyên gia đã cảnh báo rằng nhiều năm thương lượng về một hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (hết hiệu lực vào năm 2012) sẽ thất bại trên quy mô lớn. Từ đó đến nay, thế giới vẫn liên tiếp phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên, mà gần đây nhất là cháy rừng dữ dội ở Mỹ, hay lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc… Không phủ nhận nhân loại đã cố gắng tìm ra tiếng nói và hành động chung để ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song những nỗ lực đó chưa đủ, cần phải biến cam kết thành hành động cụ thể và quyết liệt hơn. Thực tế đang đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn nữa để tìm ra thuốc hạ sốt hữu hiệu cho Hành tinh Xanh.

Lỡ hẹn không phải là chấm hết. Dù thời gian một năm rưỡi còn lại không đủ để hoàn tất một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto, nhưng vẫn chưa muộn để hiện thực hóa những ý tưởng tốt đẹp về giảm khí thải nhà kính. Mấu chốt trong câu chuyện này vẫn là đặt lợi ích chung toàn cầu lên trên lợi ích riêng của mỗi nước hoặc nhóm nước.

Con đường phía trước không ít trở ngại, cần có những chuyển biến mang tính cách mạng, trước hết là trong nhận thức của mỗi người chúng ta, những công dân của Trái Đất, trong chính sách của các quốc gia cũng như trong hợp tác giữa các nước.

Nguyệt Ánh