02:11 24/02/2017

Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

CỨNG RẮN HƠN VỚI MỸ LATINH

Mặc dù cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dự báo sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng với khu vực Mỹ Latinh dưới thời tân Tổng thống Donald Trump, song với những quyết định được đưa ra gần đây với Mexico và Cuba, lo ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và khu vực này không phải là không có cơ sở.

Xây tường ngăn cách Mỹ - Mexico

Chỉ hơn một tháng kể từ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức, quan hệ song phương Mỹ-Mexico rơi vào tình trạng khủng hoảng, đặc biệt là sau ngày 25/1, khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh cho phép xây dựng một bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico dài hơn 3.000km. Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ chịu chi phí lúc đầu xây bức tường và sau đó sẽ đòi Mexico hoàn trả 100%.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, ông Trump sẽ áp đặt mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico để trả tiền xây tường. “Nhờ đó, nước Mỹ sẽ có thêm 10 tỷ USD mỗi năm và có thể dễ dàng trả tiền xây dựng”, ông Spicer khẳng định.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ cho xây dựng một bức tường trên biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ mỗi ngày. Ông tin rằng với hàng rào cao hơn, kiên cố và an toàn hơn, Mỹ sẽ thoát khỏi tình trạng bạo lực và tội phạm mà tân Tổng thống cáo buộc do người nhập cư trái phép mang đến.

Hàng rào biên giới Mexico và Mỹ tại Los Angeles, California.

Tuy nhiên, quyết định xây tường của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía lãnh đạo các quốc gia Nam Mỹ. Ngày 26/1, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 31/1 ở Washington. Tổng thống Bolivia Evo Morales tố cáo chính sách phân biệt chủng tộc phi lý của người đứng đầu Nhà Trắng trong khi bộ Ngoại giao Brazil chỉ trích việc xây dựng tường ngăn cách.

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng bức tường “vĩnh viễn” có thực sự đem đến kết quả đúng như mong đợi của ông Trump hay không vẫn còn là một câu hỏi mở. Xây hẳn một bức tường dọc biên giới sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn. Ngoài chi phí xây dựng khủng, các vấn đề môi trường, kỹ thuật cũng là những trở ngại không nhỏ. Bên cạnh đó, theo đánh giá của chuyên gia cấp cao Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bức tường sẽ tạo ra khoảng cách giữa hai quốc gia láng giềng, vô hình chung biến hai nước thành “kẻ thù” và kéo theo sự trả đũa từ Mexico.

Không chỉ vậy, chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump cũng khiến nền kinh tế Mexico trở nên hỗn loạn. Hiện có tới hơn 6 triệu người Mexico (chiếm 7% dân số trưởng thành quốc gia) nhận phí sinh hoạt từ người thân trong gia đình đang làm việc bên Mỹ. Tuy nhiên, nếu như quan hệ hai bên tiếp tục căng thẳng từ vụ trả tiền xây tường, khiến Tổng thống Trump làm theo lời đe dọa của mình, cắt đứt dòng tiền qua biên giới, thì sẽ có hàng triệu gia đình Mexico mất đi nguồn thu nhập hàng tháng cơ bản.

Bên cạnh đó, kinh tế quan hệ thương mại giữa Mỹ với Mexico nói riêng và các nước Mỹ Latinh nói chung cũng đứng trên bờ vực nguy hiểm khi Tổng thống Trump muốn đàm phán lại hoặc “khai tử” Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và áp đặt thuế lên tới 35% mặt hàng Mỹ mà sản xuất ở nước ngoài.

Hiệp định thương mại tự do, đi kèm với đó là lao động rẻ nhưng có kỹ năng, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài và hợp đồng đầu tư hàng tỷ đôla vào Mexico. Chỉ trong hai thập kỷ, Mexico đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khối các nước Mỹ Latinh. Tuy nhiên, “đầu tư” vào Mexico dưới con mắt của Tổng thống Trump chẳng khác nào hành động lấy đi việc làm của người Mỹ.

Trong suốt thời gian tranh cử, ứng viên Trump luôn chỉ trích Carrier – một công ty điều hòa ở Indiana – có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất sang Monterrey, Mexico. Chỉ một thời gian ngắn khi ông Trump lên nhậm chức, Carrier tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống, giữ lại gần 1.000 vị trí việc làm tại bang Indiana. Vài tuần sau đó, tập đoàn xe Ford thông báo sẽ dừng xây dựng nhà máy mới trị giá 1,6 tỷ USD tại San Luis Potosí (Mexico) và thay vào đó là đầu tư 700 triệu USD vào cơ sở ở Michigan. Chuyên gia Manuel Molano – tổng giám đốc Viện chiến lược cạnh tranh Mexico chia sẻ lo lắng: “Tôi lo rằng với kỹ năng thuyết phục của mình, ông Trump sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp và công ty chấm dứt làm ăn với Mexico”.

Đảo ngược quan hệ với Cuba?

Trong bối cảnh lo ngại Tổng thống Trump khi lên nắm quyền sẽ có chính sách làm đảo ngược mối quan hệ vừa mới ấm dần với Cuba, ngày 3/2, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết chính quyền mới của Mỹ đang trong giai đoạn "xem xét chi tiết tất cả các chính sách của Mỹ đối với Cuba," với trọng tâm là các chính sách về nhân quyền.

Tuy người phát ngôn khẳng định việc xem xét các chính sách về nhân quyền là một phần trong cam kết của Mỹ đối với quyền dành cho mọi công dân trên khắp thế giới, nhưng câu trả lời trên cũng gần như nhất quán với lời cam kết mà ông Trump đưa ra khi nói về bản thỏa thuận với quốc gia Nam Mỹ trong thời gian tranh cử. Khi đó, Tổng thống Trump luôn khẳng định ông sẽ đàm phán “một bản thỏa thuận tốt hơn” hoặc thậm chí đảo ngược lại các chính sách của người tiền nhiệm Obama đối với với chính quyền Cuba, do ông cho rằng đây chỉ là “thỏa thuận từ một phía”.

Ông Barack Obama khi đó là tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba Raul Castro sau buổi họp báo trong chuyến thăm Cuba ngày 21/3/2016.

Thậm chí với dòng trạng thái chia sẻ trên trang mạng xã hội Twitter đăng ngày 28/11, ông Trump còn đe dọa có thể chấm dứt thỏa thuận với Cuba nếu Cuba “không sẵn lòng tạo nên một thỏa thuận tốt hơn cho người dân Cuba, người Mỹ gốc Cuba và nước Mỹ trên tổng thể”. Cho tới nay, La Habana vẫn theo dõi một cách khá kín đáo và dè dặt trước các tuyên bố của tổng thống Trump. Song theo Vụ trưởng Các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal, “đe dọa, áp lực, ra điều kiện và áp đặt mệnh lệnh" không phải là cách thức để có được một "mối quan hệ văn minh" ở mức tối thiểu với Cuba.

Ngày 17/12/2014, Mỹ và Cuba đã đạt được thỏa thuận bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, chính thức khép lại 53 năm căng thẳng kéo dài. Cựu Tổng thống Obama được coi là người có công lớn nhất trong việc đem lại thỏa thuận lịch sử này. Ngay trước khi rời khỏi nhiệm sở, ông Obama đã có động thái cuối cùng trong nỗ lực vớt vát cải thiện quan hệ với Cuba. Ngày 12/1, chính quyền Obama tuyên bố chấm dứt chính sách được gọi là "chân ướt, chân ráo" đã áp dụng 20 năm qua với người nhập cư Cuba, khiến nhiều người dân Cuba hoan nghênh.

Họ giải thích quyết định của ông Obama đã buộc người dân Cuba chấm dứt đánh cược tính mạng trong những chuyến di cư vượt biển nguy hiểm với mộng tưởng cuộc sống tốt đẹp hơn ở Mỹ, cũng như sẽ giúp đảo quốc thoát khỏi tình trạng chảy máu chất xám và lực lượng lao động của hơn 70.000 người trẻ Cuba mỗi năm.

Nói tóm lại, mặc dù vẫn ra các quyết sách thống nhất với những lời cam kết của mình từ khi còn tranh cử, song chính sách với Mỹ Latinh của Tổng thống Trump vẫn còn là một ẩn số vì trên thực tế khu vực này chưa bao giờ là một phần trong chương trình ưu tiên của ông. Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng với bản năng là một doanh nhân, Tổng thống Trump có thể sẽ không dễ dàng quyết định từ bỏ các quốc gia Mỹ Latinh vốn được coi là sân sau của Washington vì động thái đó sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ đồng thời lại mở ra cơ hội cho Trung Quốc nhảy vào trục lợi.

Hồng Hạnh