06:00 13/06/2013

Linh hoạt trong xử lý dự án treo ở Hà Nội

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động, thành phố đã khá "linh hoạt" trong cách xử lý với từng dự án cụ thể, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đẩy mạnh việc rà soát, thu hồi dự án chậm triển khai (dự án treo). Tuy vậy, trước thực tế nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động, thành phố đã khá "linh hoạt" trong cách xử lý với từng dự án cụ thể, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Nhiều sai phạm


Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, thời gian qua, các quận, huyện và sở, ban ngành Hà Nội đã tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc sử dụng đất của hơn 600 tổ chức trên địa bàn, có dấu hiệu vi phạm từ năm 2009 đến nay. Trong đó tập trung kiểm tra dự án chưa đưa vào sử dụng đất sau 12 tháng kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất sai mục đích...


Một dự án treo thuộc địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

 

Theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội (TNMT), việc chậm đưa vào sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, là do không đủ năng lực thực hiện dự án, hoặc có thay đổi phương án sản xuất kinh doanh nhưng không kịp thời bố trí vốn và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh mới. Bên cạnh đó, một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế vĩ mô về tín dụng. Ngoài ra, cũng có nhiều tổ chức thiếu vốn nên không thể triển khai đúng tiến độ…


Kết quả thanh tra các tổ chức sử dụng đất trước đây là doanh nghiệp (DN) nhà nước, đã phát hiện nhiều sai phạm; như việc nhiều doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa và thay đổi mô hình hoạt động, đã không lập hồ sơ xin đăng ký thay đổi pháp nhân, hồ sơ xin thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất. Thậm chí, các tổ chức này còn cho thuê nhà xưởng, mặt bằng và liên doanh liên kết trái quy định. Nhiều đơn vị không có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Thậm chí có tổ chức tại thời điểm thanh tra không có hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

"Tìm đúng thuốc"


Kiên quyết xử lý sai phạm, giải quyết tình trạng dự án treo của Hà Nội, tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội cũng như những ban ngành liên quan đã có cách làm khá linh hoạt, "tìm đúng thuốc" cho từng "căn bệnh" của doanh nghiệp, dự án...


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Để thực hiện thu hồi đất các dự án chậm triển khai, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định

59/2009/QĐ-UBND. Tuy nhiên, trước khi ký tờ trình thành phố thu hồi dự án treo, để đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý, cũng như tạo điều kiện gỡ khó cho doanh nghiệp, Sở TNMT cùng với các cơ quan tư pháp, tòa án, thanh tra, công an, sở ngành liên quan và chính quyền địa phương đã tiến hành xem xét các khía cạnh của dự án. Đối với đơn vị nhắc nhở, gia hạn nhiều lần không có khả năng tài chính thì kiên quyết thu hồi. Còn với các dự án nhà đầu tư tâm huyết và có định hướng đầu tư, chúng tôi báo cáo thành phố đề nghị gia hạn thời gian thực hiện dự án".


Ông Nghĩa chia sẻ: “Ở thời điểm hiện nay, khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, chúng tôi rất cẩn trọng khi xử lý những dự án chậm triển khai. Nhiều dự án, kiểm tra xong, tôi trực tiếp xuống thẩm định lại. Bởi nếu chúng ta không làm rõ ngọn ngành, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện mà thu hồi ngay, thì sẽ càng gây khó cho doanh nghiệp”.


Cách làm này của Hà Nội đã thực sự phát huy hiệu quả. Trong nhóm 32 dự án chậm đưa vào sử dụng 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao trên thực địa, đã có 19 dự án khắc phục vi phạm; 5 dự án chậm triển khai do vướng về chính sách như các hộ dân đề nghị được bồi thường đất dịch vụ mới, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chưa có đường thi công..., cũng đã được chính quyền hỗ trợ giải quyết.


Với nhóm 482 dự án sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, sau kiểm tra, rà soát và hỗ trợ giải quyết, đến nay đã có 302 dự án được chủ đầu tư chủ động khắc phục, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.

 

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: "Không đến mức cứ vi phạm là thu hồi"

 

Để xử lý vi phạm đất đai, các địa phương phải tăng cường rà soát, quản lý địa bàn, chủ động phát hiện vi phạm để báo cáo cấp trên. Đồng thời chủ động phân loại, xem xét các dự án cần phải thanh, kiểm tra. Mọi vi phạm pháp luật đất đai khi phát hiện phải xử lý kiên quyết theo qui định của pháp luật, nhưng không cực đoan đến mức cứ vi phạm là thu hồi. Pháp luật qui định rất nhiều biện pháp có thể áp dụng để xử lý phù hợp. Khi thanh kiểm tra, cốt lõi là phân tích được nguyên nhân, trong đó với nguyên nhân khách quan, cần tập trung tháo gỡ chủ đầu tư vượt qua khó khăn. Những nguyên nhân chủ quan phải xem xét đến năng lực của chủ đầu tư, kể cả đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu tiến độ, nghĩa vụ tài chính triển khai thuộc trách nhiệm chủ đầu tư, đã có biện pháp nhắc nhở, gia hạn mà không khắc phục, thì phải thu hồi. Thực tế đã có doanh nghiệp khắc phục và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp không khắc phục với các mức xử lý được pháp luật qui định từ thấp đến cao. Đối với việc gia hạn không gia hạn nhiều lần, chỉ đảm bảo để chủ đầu tư khắc phục khó khăn khách quan, chứ không là công cụ cho doanh nghiệp chây ỳ. Kết quả xử lý trong thời gian qua mới là bước đầu, còn nhiều khó khăn, thách thức nên các sở, ban, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, nhất là năm 2013 là năm kỷ cương hành chính nên phải thực hiện nghiêm túc.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất: “Có giải pháp hợp lý cho doanh nghiệp”

 

Tại huyện Thạch Thất có 3 dự án chậm triển khai. Sau khi huyện tiến hành đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, các chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng như dự án khu đô thị Thạch Thất của Tập đoàn Nam Cường. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện còn 25 dự án chậm triển khai, tập trung ở các xã của tỉnh Hòa Bình (trước đây) bàn giao về, đang chờ giải pháp sau rà soát. Bên cạnh đó là 17 dự án chậm triển khai thủ tục quản lý để chuyển từ mô hình hộ sang doanh nghiệp. Huyện đã tuyên truyền động viên để các hộ gia đình tham khảo các hướng dẫn và thực hiện thủ tục hồ sơ đăng ký kinh doanh thuận lợi cho công tác quản lý.

 

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Cần điều tra thị trường khi chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội"

 

Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Nhiều dự án đang triển khai, có doanh nghiệp không có tiền để tiếp tục xây dựng, nhưng cũng có doanh nghiệp có tiền nhưng không dám xây dựng vì sợ ế. Do đó hình thành những dự án treo. Dự án treo có thể chia ra làm dự án đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa làm gì, vẫn nằm trên giấy, trong khi đó đã thu hồi đất của người dân rồi. Thứ hai là dạng dự án đang làm dở chừng và hết vốn nên không thể tiếp tục. Bộ Xây dựng đang khuyến khích chuyển các dự án sang nhà ở xã hội. Đây là ý tưởng tốt nhưng theo tôi cần phải có điều tra thị trường, tùy từng vị trí mới cho phép chuyển đổi.

 

Phòng VHTT thực hiện