11:08 06/11/2012

Linh hoạt để nông dân được hưởng lợi nhiều hơn

Phương thức tạm trữ mới sẽ linh hoạt hơn, giúp nông dân được chủ động trong việc đưa ra quyết định bán lúa theo hướng có lợi nhất cho mình.

Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Võ Thành Đô (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN & PTNT) tin tưởng: Phương thức tạm trữ mới sẽ linh hoạt hơn, giúp nông dân được chủ động trong việc đưa ra quyết định bán lúa theo hướng có lợi nhất cho mình.

 

´Theo Dự thảo quy chế này, việc thu mua tạm trữ có gì mới so với chủ trương mua tạm trữ hiện hành, thưa ông?


Theo quy chế đang xây dựng, phương thức tạm trữ sẽ linh hoạt hơn, nông dân được chủ động trong việc quyết định bán lúa.


Trước đây, doanh nghiệp mua của thương lái, không mua trực tiếp từ tay nông dân và chỉ có doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay 0%. Chúng tôi đang đề xuất với phía ngân hàng để hộ nông dân cũng có thể được hỗ trợ lãi suất thông qua việc thế chấp bằng chính lúa gạo của mình để vay tiền.


Bên cạnh đó, về thời điểm tạm trữ, trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng, thay vì 1 tháng như lâu nay. Khối lượng tạm trữ tối đa trước đây cao nhất là 1 triệu tấn thì quy chế mới nâng lên là 1,5 triệu tấn quy gạo đối với vụ hè thu và tối đa 1 triệu tấn đối với vụ đông xuân.


Mức tạm trữ của hộ nông dân là điều đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ khoảng 1 ha ruộng thì chúng tôi đang cân nhắc có thể quy định khoảng 5 - 10 tấn/điểm chứa. Điều này hy vọng sẽ khuyến khích nông dân hợp tác với nhau làm lò sấy để thời gian tạm trữ lâu hơn.


Hộ nông dân có thể tạm trữ lúa tại nhà, tại cơ sở sản xuất của mình, cơ sở của tổ hợp tác hoặc của hợp tác xã. Hộ nông dân tạm trữ tại kho doanh nghiệp có cánh đồng mẫu lớn hoặc các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được VFA và Sở Công Thương các tỉnh chỉ định theo những cách: Một là ký hợp đồng cho nông dân thuê kho gửi tạm trữ. Hai là, ký hợp đồng mua số lượng lúa gạo của nông dân gửi tạm trữ theo giá tạm tính, còn chốt giá chính thức sau, nông dân chọn thời điểm bán chính thức cho doanh nghiệp và khi bán sẽ tính theo giá thị trường. Còn doanh nghiệp sản xuất lúa và doanh nghiệp kinh doanh lương thực mua tạm trữ lúa, gạo tại kho của doanh nghiệp nằm ở địa bàn tỉnh được thu mua.


´Nhưng làm thế nào kiểm soát được việc tạm trữ này, thưa ông?


Việc tạm trữ sắp tới sẽ không giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) như trước mà giao trực tiếp cho UBND các tỉnh tổ chức triển khai.


Quy chế nói rõ nông dân tạm trữ lúa tại nhà, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã phải có phiếu xác nhận của UBND xã hoặc Hội Nông dân xã. Hộ nông dân tạm trữ muốn gửi kho doanh nghiệp phải có biên bản hợp đồng gửi kho, kèm phiếu xác nhận của chủ doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp trực tiếp tạm trữ phải có hợp đồng mua lúa gạo trực tiếp với nông dân và có phiếu xác nhận của xã hoặc Hội Nông dân xã. Như thế mới được vay ngân hàng lãi suất ưu đãi. Phía ngân hàng sẽ làm chặt chẽ việc này.


Có một thực tế nữa là lâu nay nông dân tiếp cận vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Chính vì thế cuối tháng 11/2012, Bộ sẽ tổ chức hội thảo để các đối tượng thuộc diện tham gia tạm trữ là đại diện nông dân, doanh nghiệp kinh doanh lương thực, các đơn vị sản xuất nông nghiệp đối thoại với ngân hàng để bàn cách thực hiện.

´Thưa ông, việc hộ nông dân được hỗ trợ để tạm trữ là điểm rất mới. Để quá trình này thuận lợi, năng lực của của hệ thống cơ sở hạ tầng, kho chứa đã đảm bảo chưa và cần đầu tư thế nào?


Với lượng kho chứa hiện nay, năng lực của doanh nghiệp không đáng ngại. Đáng ngại là ở phía người nông dân. Vì từ trước đến nay nông dân miền Nam không có tập quán tích cốc phòng cơ, thường thu hoạch xong bán ngay tại ruộng. Do đó, đa phần họ chưa có cơ sở vật chất là kho tàng để cất trữ thóc gạo. Đây là khó khăn nếu quyết định triển khai quy chế mới. Thậm chí, giai đoạn đầu sẽ rất khó khả thi.


Vì thế, Bộ NN & PTNT quyết định trước mắt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm ở một số tỉnh có sản lượng lúa lớn: An Giang, Kiên Giang và hai tỉnh sản lượng trung bình khá như Trà Vinh, Sóc Trăng. Sau khi thí điểm sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh dần quy chế này. Mặc dù chưa có kho bãi sẵn nhưng nếu bắt đầu triển khai, người nông dân có thể thu xếp được, trên cơ sở vật chất sẵn có của mình. Thậm chí có thể “bắt tay” với thương lái. Cần phải hiểu rằng hệ thống kho tàng phục vụ cho thu mua tạm trữ này càng ngày càng phải xã hội hóa. Vì thương lái họ có máy sấy, có kho bãi, nông dân có thể hợp tác với họ để thuê cơ sở vật chất này.


Chính sách này đồng thời sẽ góp phần khuyến khích người nông dân tham gia xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất ở quy mô lớn hơn và hiệu quả sản xuất cũng cao hơn.


Xin cảm ơn ông!