10:00 09/10/2012

Linh hoạt chuyển đổi ngư lưới cụ giúp ngư dân Bạc Liêu trụ vững bám biển

Vừa trở về sau chuyến ra khơi đánh bắt hơn 10 ngày trên biển, thu lãi gần 20 triệu đồng, ông Hồ Văn Doãn (ngụ ấp 3, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) lại tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Vừa trở về sau chuyến ra khơi đánh bắt hơn 10 ngày trên biển, thu lãi gần 20 triệu đồng, ông Hồ Văn Doãn (ngụ ấp 3, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) lại tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cho chuyến ra khơi tiếp theo. Đã hơn 20 năm sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên biển, song đến năm 2012 này, với việc chuyển đổi ngư lưới cụ trong đánh bắt hải sản, gia đình ông Doãn đã nâng cao thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn..


 

Bà con ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt.

d

Những năm trước, chiếc tàu đánh bắt công suất 100 CV của ông Doãn chỉ trang bị độc nhất một loại ngư lưới cụ khai thác là cào đơn, nên chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt khá cao, thu lời thấp, thậm chí có chuyến ra khơi hòa hoặc lỗ vốn. Ngay sau khi được ngành chức năng khuyến cáo, ông Doãn đã mạnh dạn chuyển đổi ngư lưới cụ sang nghề lưới tôm. Không chỉ vậy ông còn trang bị thêm 2 loại ngư lưới cụ khác là lưới cá đù và lưới ghê. Từ lúc chuyển đổi ngư lưới cụ, hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi của ông Doãn tăng dần. Hiện tại ông Doãn đang làm nghề lưới cá đù, mỗi chuyến đi biển từ 8 - 10 ngày, sau khi trừ chi phí, ông thu lời từ 10 - 20 triệu đồng. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên phương tiện đánh bắt của ông ra khơi liên tục, lợi nhuận lên đến hơn 600 triệu đồng.


Cũng như ông Doãn, từ đầu năm đến nay, đa số ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Theo các ngư dân, bên cạnh việc chuyển đổi ngư lưới cụ, thì việc gia nhập tổ hợp tác khai thác đánh bắt cũng là yếu tố góp phần làm tăng lợi nhuận cho mỗi chuyến đánh bắt. Ông Đào Vĩnh Lộc, một ngư dân có thâm niên trong nghề đánh bắt thủy sản trên biển tỉnh Bạc Liêu cho biết, kể từ khi tham gia vào tổ hợp tác, hiệu quả của mỗi chuyến đi biển đã tăng lên rõ rệt. Bởi một đội tàu trong tổ hợp tác có từ 8 - 10 chiếc, không chỉ hỗ trợ lẫn nhau trong việc tìm kiếm ngư trường, mà còn cùng chia sẻ nhiên liệu, tiếp tế lương thực và bán sản phẩm khai thác thông qua một đầu mối, từ đó đã góp phần giảm chi phí đánh bắt và giá sản phẩm bán ra cũng ổn định hơn nhiều so với trước khi chưa vào tổ hợp tác. Với phương tiện có công suất chỉ 55 CV, làm nghề lưới cá, song từ đầu năm đến nay, mỗi chuyến đi biển từ 5 - 7 ngày, ông Lộc đã thu lời bình quân gần 10 triệu đồng/chuyến.


Bạc Liêu có hơn 12.000 phương tiện khai thác thủy sản trên biển. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được hơn 100 tổ hợp tác đánh bắt trên biển, trong đó có hơn 30% tổ chuyên đánh bắt tầm xa, mỗi tổ có từ 5 - 10 phương tiện. Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, cho biết, chuyển đổi ngư lưới cụ và liên kết thành lập tổ hợp tác là mô hình sản xuất mới và có hiệu quả của ngư dân vùng biển này. Cách đánh bắt, khai thác này vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, lại hỗ trợ ngư dân giảm được chi phí rất lớn trong điều kiện giá nhiên liệu, ngư lưới cụ, nhân công lao động liên tục tăng cao.
Nhờ linh hoạt chuyển đổi hình thức đánh bắt, cộng thêm thời tiết thuận lợi, nên từ đầu năm đến nay, việc đánh bắt của ngư dân đạt hiệu quả cao hơn so với các năm trước, với khoảng 85% số phương tiện ra khơi thường xuyên và có lãi cao. Trong 9 tháng qua, ngư dân trong tỉnh đã khai thác được hơn 70.000 tấn, trong đó có gần 10.000 tấn tôm, đạt 71% kế hoạch năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 155 triệu USD.

 

Bài và ảnh: Huỳnh Sử