01:13 10/01/2021

Linh động thời gian học, đảm bảo sức khỏe cho học sinh tại địa phương giá rét

Những ngày qua, một số tỉnh miền núi phía Bắc đã phải cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, để đảm bảo lịch thi học kỳ, nhiều nơi đã tính toán giờ học phù hợp để học sinh THCS, THPT vẫn hoàn thành chương trình.

Theo dõi thời tiết, điều chỉnh giờ học

Chú thích ảnh
Các nhà trường căn cứ tình hình diễn biến thực tế của thời tiết tại địa phương, chủ động đề xuất cho học sinh nghỉ học. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cao Bằng cho biết: “Đây là đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu năm tới nay. Từ ngày 6/1, tôi đã chỉ đạo 10 trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị trong tỉnh cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học các ngày từ 6 - 9/1.  Tại huyện Nguyên Bình (nơi có đỉnh Phia Oắc) nhiệt độ dưới 0 độ C, xuất hiện băng giá, học sinh THCS, THPT cũng được nghỉ học. Còn học sinh THCS, THPT ở các huyện, thị khác vẫn đến trường, nhưng theo giờ học mới”.      

Lý giải vì sao học sinh THCS, THPT vẫn đến trường, ông Vũ Văn Dương cho biết: “Trừ một vài vùng có nhiệt độ rất thấp, còn lại thời tiết trong ngày diễn biến là buổi sáng rất rét, chiều ấm. Căn cứ vào tình hình này, Sở chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường lùi thời gian học." Ví dụ, trước đây thời gian học là 7 giờ 30 phút vào lớp thì nay là 8 giờ 30 phút hoặc muộn hơn một chút. Học sinh THCS, THPT đang trong giai đoạn thi kết thúc học kỳ I, do đó việc đảm bảo hoàn thành chương trình là cần thiết. "Chúng tôi không thể để học sinh trên toàn tỉnh đồng loạt nghỉ được, trong khi đó vẫn có những giải pháp đảm bảo sức khoẻ, chương trình cho các em”, ông Vũ Văn Dương cho biết.  

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lạng Sơn cũng cho biết, trong đợt rét này học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ để phòng chống rét. Khối trung học và giáo dục thường xuyên, học sinh vẫn đi học. Đối với những nơi vẫn duy trì việc học, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các trường bảo đảm cơ sở vật chất, chuẩn bị nước ấm, chăn ấm; trang bị thêm đồ dùng sinh hoạt và tăng khẩu phần ăn cho học sinh, đủ dinh dưỡng.     

Sở GD&ĐT Lai Châu cũng yêu cầu nhà trường căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương và cơ sở vật chất trường lớp học, chủ động, linh hoạt bố trí lịch học phù hợp, xem xét quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt.     

Nhà trường sẵn sàng các điều kiện     

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: “Đây không phải là đợt rét đầu tiên mà học sinh vùng cao ở Sơn La hứng chịu. Trước đó, Sở GD&ĐT Sơn La đã chỉ đạo các trường chủ động hướng dẫn, tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh các biện pháp phòng, chống rét. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể tích cực, tăng cường nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm. Trong những ngày thời tiết quá lạnh, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục; không tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoài trời khi thời tiết rét đậm, rét hại. Các nhà trường căn cứ tình hình diễn biến thực tế của thời tiết tại địa phương, chủ động đề xuất cho học sinh nghỉ học theo quy định, đồng thời báo cáo về cấp quản lý”.      

Sở GD&ĐT Sơn La cũng yêu cầu các trường bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú tăng cường công tác kiểm tra cơ sở vật chất khu nội trú của học sinh. Có biện pháp che chắn các ô cửa sổ, cửa thông gió, tăng cường chăn ấm đảm bảo không để học sinh bị lạnh. Đồng thời, tổ chức tuần tra, nhắc nhở việc sử dụng củi, lửa để sưởi ấm đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy và an toàn không khí, tránh khói độc. Tăng cường các biện pháp chăm sóc, phục vụ học sinh, quan tâm tới khẩu phần ăn của học sinh nhằm đảm bảo tăng cường sức khỏe trong những ngày thời tiết rét đậm”.     

Bên cạnh những giải pháp của từng trường, một số nơi như Sơn La, Lai Châu, Sở GD&ĐT các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ trang thiết bị, chăn, đệm, quần áo ấm,… để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại.   

Lê Vân/Báo Tin tức