11:10 03/11/2015

Liệu vụ rơi máy bay có khả năng là đòn trả thù Nga?

Hiện dư luận đang đổ dồn sự chú ý đến việc tìm ra nguyên nhân gây ra thảm kịch rơi máy bay dân dụng Nga tại bán đảo Sinai (Ai Cập) ngày 31/10 khiến toàn bộ 224 người trên chuyến bay thiệt mạng.


Mảnh vỡ máy bay Nga tại khu vực Wadi el-Zolmat trên bán đảo Sinai của Ai Cập ngày 1/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Mọi thông tin, giả thuyết, cả được chứng thực lẫn tin đồn đều được giới truyền thông tích cực đưa tới độc giả. Trước đó, nhóm khủng bố IS đã công bố một đoạn video chưa được kiểm chứng mà chúng cho là ghi lại giây phút cuối của chiếc máy bay Nga xấu số khi bị bắn rơi. Kèm với hình ảnh một vật thể lớn có hình dạng như một chiếc máy bay đang bay trên trời bỗng bốc khói đen và lao xuống đất, IS tuyên bố chính chúng đã “phá hủy” chiếc Airbus, song không nhắc tới cách thức thực hiện.


Ngay sau khi đoạn băng được công bố, Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail khẳng định các lực lượng phiến quân không đủ khả năng bắn hạ máy bay chở khách ở độ cao tới 9.000 mét. Tuy nhiên, theo như ông Dmitry Peskov – phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin phát biểu trước báo giới khi được hỏi về khả năng tấn công khủng bố “Không thể loại trừ khả năng này trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay”.


Sau khi điều tra dữ liệu hai hộp đen lấy từ chiếc máy bay gặp nạn, báo cáo của lực lượng chức năng cho biết họ loại bỏ nguyên nhân máy bay rơi là “do lỗi kỹ thuật hay lỗi điều khiển hoạt động của phi công”. Hãng hàng không Kogalymavia cho biết cả hai động cơ của chiếc Airbus A321 đã được kiểm tra tại Moskva hôm 26/10 và không có vấn đề gì. Sổ lộ trình bay trong 5 chuyến bay liên tiếp gần nhất của phi hành đoàn cũng không có ghi chép về dấu hiệu tâm lý của phi công. Ông Alexander Smirnov – phó tổng giám đốc công ty hàng không Metrojet thông báo trong một cuộc họp báo tại Moskva “Nguyên do duy nhất khiến máy bay rơi là do tác động của cơ học hoặc vật lý”. Bên cạnh đó, thông tin máy bay bị vỡ trước khi rơi xuống đất cũng đã được chứng thực.


Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết, chưa có "bằng chứng trực tiếp" về việc khủng bố dính líu tới vụ máy bay A321 của hãng hàng không Nga.
Ông Clapper nhấn mạnh: "Chúng tôi chưa có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy sự dính líu của khủng bố. Tuy nhiên, tôi không loại trừ khả năng này".

Hiện sự mập mờ về khả năng khủng bố tấn công chiếc máy bay A321 dấy lên quan ngại nhóm khủng bố IS có khả năng âm mưu trả thù Nga vì chiến dịch không kích hỗ trợ chính phủ Syria chống lại chúng tại nước này. Nhiều chuyên gia nhận định Tổng thống Nga đã có bước đi mạo hiểm khi triển khai các cuộc không kích phiến quân IS vì các tay súng thánh chiến có thể tiến hành ý đồ trả thù tấn công vào các mục tiêu ngay trong nước Nga.

Cộng đồng Hồi giáo chính tại Nga hiện nay chủ yếu là người Hồi giáo khu vực Bắc Kavkaz (North Caucasus), gồm Cộng hòa Chechnya, Dagestan và Ingushetia – căn cứ hoạt động lâu năm của các lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Trong bối cảnh Nga tiến hành không kích IS, lãnh đạo địa phương tại những vùng có cộng đồng Hồi giáo sinh sống ở Nga thường xuyên lên tiếng khuyên nhủ người dân không nghe theo lời tuyên truyền, xúi giục của các nhóm phiến quân nhằm trả thù Nga. Theo một diễn biến liên quan, tên thủ lĩnh Al Qaeda Ayman Al-Zawahiri cũng đang ra sức kêu gọi những người Hồi giáo gia nhập cuộc chiến chống Nga, Iran và các nước đồng minh phương Tây qua một đoạn băng công bố ngày 1/11.

Trước ngày 30/9 bắt đầu chiến dịch không kích, Nga cũng đã nhiều lần hứng chịu những vụ tấn công khủng bố quy mô từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Năm 2002, các tay súng người Chechnya trang bị vũ khí cũng đã ồ ạt xông vào một rạp hát tại thủ đô Moskva, bắt giữ khán giả làm con tin. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong thảm kịch đó. Tháng 8/2004, hai chuyến bay nội địa cũng đã bị các nhóm khủng bố hợp tác tấn công cho nổ tung bằng bom, giết hại 90 hành khách trên máy bay. Vụ việc gần nhất xảy ra cách đây 5 năm – đánh bom liều chết ga tàu điện ngầm Moskva làm 40 người thiệt mạng cũng đã trở thành một ký ức đau lòng đối với người Nga.

Ông Steven A. Cook – một quan chức cấp cao tại Viện nghiên cứu quan hệ ngoại giao của Mỹ nhận định "giờ nước Nga không còn là bên thứ 3 bị ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc xung đột giữa các phe phái, mà đã trở thành mục tiêu lớn của các nhóm phiến quân”.

Hồng Hạnh (theo Telegraph/Reuters)