12:08 01/12/2012

Liều thuốc đắng cho bóng đá Việt Nam

Màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012 cuối cùng đã ngã ngũ với kết quả thật nghiệt ngã, khi đội tuyển đã không có nổi một chiến thắng, dù với đối thủ được đánh giá yếu hơn.

Màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012 cuối cùng đã ngã ngũ với kết quả thật nghiệt ngã, khi đội tuyển đã không có nổi một chiến thắng, dù với đối thủ được đánh giá yếu hơn. Như vậy, mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2012 là chinh phục AFF Suzuki Cup (như tuyên bố của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF), coi như phá sản.


Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012 đã cho thấy, bóng đá Việt Nam đang lâm khủng hoảng không chỉ ở cấp câu lạc bộ, mà nó đã lên tới tầm đội tuyển quốc gia. Cứ nhìn những gì mà đội tuyển Việt Nam thể hiện ở một giải đấu khu vực, thì không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới vươn ra được biển lớn.


Trong bóng đá, thắng thua là lẽ thường. Nhưng với cách thua của đội tuyển Việt Nam ở giải lần này là cách thua toàn diện. Thua cả về thể lực, kỹ chiến thuật lẫn quyết tâm thi đấu.


Bạc nhược trong từng pha tranh chấp, nhạt nhòa trong các đường bóng tấn công, hàng loạt những ngôi sao được kỳ vọng lại thi đấu dưới sức mình; những bài phối hợp nhỏ được ví von như tiqui-taca đều bất lực trước hàng phòng ngự của đối phương, nhưng chẳng hề có phương án điều chỉnh…, đá như thế thì tránh sao khỏi thất bại.


Chưa bao giờ, người hâm mộ lại cảm thấy thất vọng với lối chơi của đội tuyển như ở AFF Suzuki Cup lần này. Điều đó cho thấy, bóng đá Việt Nam đã tụt lại so với chính mình và so với làng túc cầu Đông Nam Á. Nỗi buồn về AFF Suzuki Cup 2012 có lẽ không dễ nguôi ngoai. Nỗi buồn đó sẽ còn đeo đẳng với những ai tâm huyết với bóng đá nước nhà.


Không buồn sao được khi chúng ta chỉ duy nhất một lần đăng quang ở một giải đấu khu vực, trong bối cảnh chúng ta luôn là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Ở kỳ AFF Suzuki Cup 2012 cũng vậy, đội tuyển của chúng ta được dư luận (cả trong và ngoài nước) đánh giá rất cao, người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng, nhưng kết quả là đã không qua nổi vòng đấu bảng.


Có nhiều bài học cần phải rút ra sau lần vấp ngã này. HLV Phan Thanh Hùng đã nhận hết trách nhiệm về thất bại của đội tuyển Việt Nam (khác biệt so với các HLV ngoại trước đây, khi họ luôn vin vào yếu tố khách quan để đổ lỗi).


Nhưng sẽ là không công bằng, khi trút toàn bộ trách nhiệm về thất bại của đội tuyển lên vai HLV Phan Thanh Hùng, bởi ông Hùng cũng chỉ là một mắt xích của đội bóng. Như đánh giá của một số nhà làm chuyên môn, đó là sản phẩm của cả tập thể, chứ không phải của riêng cá nhân nào. Đó là lỗi của cả một hệ thống; là hệ quả của cách làm bóng đá thiếu bài bản, thiếu tầm nhìn xa của VFF.


Theo dõi quãng thời gian (3 tháng) HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt đội tuyển, có thể thấy sự khác biệt rất lớn về cách đối xử giữa HLV nội và HLV ngoại của VFF; rồi sự thỏa hiệp của VFF khi chấp nhận để ông Hùng cùng lúc dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23 và câu lạc bộ. Đó là sai lầm lớn, vì chưa có một liên đoàn bóng đá nào trên thế giới chọn cách làm như vậy, khi để HLV đội tuyển quốc gia kiêm nhiệm quá nhiều việc.


Rõ ràng, việc đội tuyển thất bại tại AFF Suzuki Cup 2012, trách nhiệm lớn thuộc về VFF.


Dẫu sao, thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012 cũng là liều thuốc hữu ích để những người làm bóng đá nhìn nhận lại cách điều hành, cách đầu tư cho bóng đá nước nhà. Cần phải khởi động một chu kỳ mới, cần sự cầu tiến, sự đầu tư về thời gian cũng như cần đổ nhiều mồ hôi hơn nữa…, mới hy vọng bóng đá Việt Nam tiến xa.



Yến Nhi