09:12 26/09/2015

Liệu tàu ngầm Trung Quốc có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ?

Trong các năm 1995 và 1996, khi tình hình eo biển Đài Loan (Trung Quốc) căng thẳng, Bắc Kinh đã thể hiện sự bối rối khi Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay tấn công tới vùng biển xung quanh eo biển này.


 

Trung Quốc đã cải thiện một cách nhanh chóng khả năng định vị đáng tin cậy để tấn công các nhóm tàu sân bay của Mỹ ở khoảng cách lên đến 2.000 km từ bờ biển của họ. Ảnh: NI


Quân đội Trung Quốc đã cho thấy sự "bất lực" trước việc Mỹ phô trương lực lượng này. Bắc Kinh khi đó thậm chí còn không "tự tin" để theo dõi các tàu chiến này của Lầu Năm Góc và chưa có lực lượng đủ mạnh để có thể tạo ra mối đe dọa nhất định đối với những chiến hạm đầy uy lực của Mỹ.

Tuy nhiên, 19 năm sau, tình hình đã thay đổi. Theo nhóm cố vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phân tích về Các lực lượng Vũ trang Mỹ có trụ sở tại bang California, Rand Corps, nếu một cuộc khủng hoảng tương tự như vậy xảy ra hiện nay, các tàu ngầm của Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay của Mỹ vài lần trong một chiến dịch kéo dài 1 tuần.

"Trung Quốc đã cải thiện một cách nhanh chóng khả năng định vị đáng tin cậy để tấn công các nhóm tàu sân bay của Mỹ ở khoảng cách lên đến 2.000 km từ bờ biển của họ", Rand cảnh báo.

Năng lực tấn công các mục tiêu tàu sân bay của Bắc Kinh từ dưới biển phụ thuộc vào hai khả năng có liên quan. Thứ nhất, Trung Quốc cần tàu ngầm hiện đại và đáng tin cậy. Thứ hai, những tàu ngầm này cần một số phương thức để phát hiện các tàu sân bay.

Trung Quốc đã có những tiến bộ lớn trong hai thập kỷ kể từ khi cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. "Năm đó, Trung Quốc chỉ có 2 tàu ngầm hiện đại đúng nghĩa. Số còn lại là những di sản dựa trên công nghệ những năm 1950, không có thân theo hình giọt nước và chỉ được vũ trang với các quả ngư lôi", Rand giải thích.

Đến năm 2017, Trung Quốc sẽ sở hữu một hạm đội tàu dưới nước nhỏ hơn nhưng có năng lực tốt hơn với 49 tàu ngầm hiện đại.

Theo các chuyên gia phân tích tại Rand, "các lớp tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc được trang bị cả tên lửa hành trình và ngư lôi tinh vi, tăng đáng kể tầm xa từ nơi chúng có thể tấn công. Mặc dù hầu hết các tàu ngầm của Trung Quốc chạy bằng động cơ diesel và không chiếc nào đạt theo tiêu chuẩn của Mỹ, tuy nhiên chúng vẫn có thể đe dọa các tàu nổi của Mỹ".

Việc phải cần bao nhiêu tàu ngầm của Bắc Kinh để có thể tấn công một tàu sân bay Mỹ trong một chiến dịch 7 ngày phụ thuộc vào điều mà Rand gọi là "dấu vết" ("cueing").

Nói cách khác, khả năng của các vệ tinh, máy bay do thám, máy bay không người lái, radar trên đất liền và cái gọi là những hệ thống "thông tin tình báo, giám sát và trinh sát", hay ISR, để phát hiện và gửi tọa độ vị trí của nó cho các tàu ngầm.

"Những phát triển của Trung Quốc về ISR đã cải thiện các cơ hội để các tàu ngầm của Bắc Kinh sẽ nhận được thông tin trên", RAND báo cáo.

Năm 1996, các tàu ngầm Trung Quốc cơ bản là không có cơ hội để phát hiện vị trí một tàu sân bay Mỹ, dù có hoặc không có dấu vết. Đến năm 2010, tình tình đã thay đổi.

Dù không có "dấu vết" và tàu ngầm của Bắc Kinh vẫn còn khá nhiều hạn chế về tầm quan sát, nhưng với sự giúp đỡ từ ISR, các tàu ngầm này vẫn có thể có hai hoặc ba cơ hội để tấn công một tàu sân bay bằng tên lửa hoặc ngư lôi.

Tất nhiên, một cơ hội để tấn công chưa đủ đảm bảo một cuộc tấn công thành công. Và khả năng của Hải quân Mỹ là không phải cứ "dậm chân tại chỗ" khi các lực lượng của Trung Quốc được cải thiện.

"Mỹ sẽ tìm cách để đối phó mối đe dọa đang gia tăng này bằng cách phát triển những cách để làm giảm khả năng trinh sát, giám sát, tình báo của Trung Quốc và bằng cách cải thiện khả năng chống tên lửa, chống ngầm của riêng mình", Rand kết luận.

Công Thuận (Theo W.I.B)