05:17 12/05/2014

Liệu pháp miễn dịch hiệu quả trong điều trị ung thư

Một liệu pháp thử nghiệm giúp "tái huấn luyện" hệ thống miễn dịch của một bệnh nhân nhằm tấn công các khối u trong chính cơ thể bệnh nhân đó có thể đạt hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh ung thư phổ biến.

Theo kết quả một nghiên cứu sơ bộ vừa được các nhà khoa học Mỹ công bố, một liệu pháp thử nghiệm giúp " tái huấn luyện" hệ thống miễn dịch của một bệnh nhân nhằm tấn công các khối u trong chính cơ thể bệnh nhân đó có thể đạt hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh ung thư phổ biến.


Cho tới nay, công nghệ mang tên Liệu pháp tế bào thích ứng (ACT), phương pháp sử dụng chính các tế bào lympho của người bệnh để xâm nhập và tấn công khối u, đã đạt được những thành công to lớn trong điều trị u ác tính. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu khả năng điều trị các bệnh ung thư khác, như ung thư ống tiêu hóa, ung thư phổi, tuyến tụy, ngực hay bàng quang, của phương pháp này.


Trong nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Khoa học, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư của Học viện ung thư quốc gia Mỹ đã miêu tả cách thức mà công nghệ ACT thu nhỏ các khối u trong cơ thể một bệnh nhân nữ 43 tuổi mắc ung thư đường mật, một dạng ung thư ống tiêu hóa đã di căn ra phổi và gan của bệnh nhân. Công nghệ này có thể đánh dấu bước tiến bộ trong cuộc chiến chống lại ung thư biểu mô, vốn chiếm 80% các bệnh ung thư và 90% trường hợp tử vong do ung thư tại Mỹ.


Theo đó, nhóm chuyên gia tiến hành thu thập các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân nữ trên, được gọi là các tế bào lympho đã có u thâm nhiễm (TILs), trong đó lựa chọn những tế bào có hoạt tính chống lại khối u mạnh nhất và phát triển chúng trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các tế bào này được truyền lại vào cơ thể bệnh nhân. Kết quả cho thấy, sau khi bệnh nhân được truyền TILs lần đầu tiên, các khối u di căn ra phổi và gan của bệnh nhân này trở nên ổn định.


Tuy nhiên, khoảng 13 tháng sau, khi các khối u trong cơ thể bệnh nhân phát triển trở lại kể từ lần điều trị cuối cùng (6 tháng sau khi truyền tế bào T lần thứ 2), các bác sĩ phải điều trị lại cho bệnh nhân.


Nhà khoa học Steven Rosenberg , người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết thử nghiệm trên mới ở giai đoạn đầu và có khả năng cung cấp một "bản kế hoạch chi tiết" cho các nghiên cứu liên quan. Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học hy vọng rằng trong tương lai, một loạt liệu pháp miễn dịch được cá nhân hóa sẽ thay thế hóa trị để trở thành phương pháp chính điều trị ung thư.

 

TTXVN/ Tin Tức