05:13 04/05/2016

Liên tục quan trắc nước biển tại 4 tỉnh miền Trung

Trung tâm Quan trắc môi trường đã gửi công văn yêu cầu thường xuyên đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Người dân và du khách tắm biển tại biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1511 về việc đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) đã có Công văn số 271 hướng dẫn việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu nước biển ven bờ gửi 4 tỉnh về hướng dẫn chi tiết thống nhất quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu nước biển ven bờ.

Công văn nêu rõ: Về địa điểm quan trắc được lấy mẫu ở các bãi tắm, trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm cách độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh có 6 điểm quan trắc phân tích chất lượng nước biển ven bờ là bãi tắm Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Mũi Đao.

Tỉnh Quảng Bình tại 4 điểm: Bãi tắm Vũng Chùa, Quảng Đông, Quảng Trạch; bãi tắm Đá Nhảy, Thanh Trạch, Bố Trạch; bãi tắm Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; bãi tắm Hải Ninh, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Trị tại 3 điểm: Mũi Si, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh; bãi tắm Gio Hải, xã Gio Hải, Gio Ninh; bãi tắm Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng. Tỉnh Thừa Thiên-Huế tại 9 điểm: Cửa biển Lăng Cô; bãi tắm Lăng Cô; bãi tắm Cảnh Dương; cửa biển Vinh Hiền; bãi tắm Vinh Thanh; bãi tắm Thuận An; cửa biển Thuận An; bãi tắm Quảng Ngạn; bãi tắm xã Điền Lộc.

Thời điểm quan trắc 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Kể từ ngày 28/4, các tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình quan trắc tại vũng bãi tắm và thường xuyên cung cấp số liệu cho người dân. Đồng thời Tổng cục Môi trường tiến hành lấy mẫu và thông báo kết quả trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có 2 Công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, về việc thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại các tỉnh này.

Mặt khác, Bộ yêu cầu UBND 4 tỉnh tổng hợp, đánh giá các hoạt động đã và đang triển khai trên địa bàn liên quan đến hải sản chết bất thường và các kết quả đạt được trong việc xác định nguyên nhân; đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ kèm theo kết quả phân tích mẫu; ước tính thiệt hại về kinh tế, môi trường. Thường xuyên kiểm tra, thu thập thông tin, báo cáo diễn biến tình hình hải sản chết hàng ngày; các vấn đề mới phát sinh có liên quan trên địa bàn địa phương và các đề xuất, kiến nghị.

Báo cáo của UBND các tỉnh cần nêu rõ về các văn bản chỉ đạo điều hành, công tác chỉ đạo triển khai đối với sự cố hải sản chết hàng loạt; công tác khảo sát, phối hợp tìm nguyên nhân cá chết (bao gồm các hoạt động đã triển khai, công tác tổ chức lấy mẫu, phân tích,…); hiện trạng hải sản diễn biến môi trường trong ngày (bao gồm tình hình thủy văn, tình hình môi trường khu vực, kết quả quan trắc mẫu); công tác thu gom, vệ sinh môi trường, tuyên truyền; đánh giá tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị; thường xuyên gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 9h00 và 16h00 hàng ngày, bắt đầu từ ngày 2/5/2016.

Văn Hào (TTXVN)