11:19 03/11/2012

Liên tiếp chặt phá rừng trước "mũi" cơ quan chức năng

Chỉ trong tháng 10, tại huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã liên tiếp xẩy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Là điểm nóng khai thác rừng trái phép của tỉnh, nhưng dường như lực lượng chức năng làm công tác bảo vệ rừng lẫn chính quyền đang tỏ ra bất lực trước vấn nạn này.

Chỉ trong tháng 10, tại huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã liên tiếp xẩy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Là điểm nóng khai thác rừng trái phép của tỉnh, nhưng dường như lực lượng chức năng làm công tác bảo vệ rừng lẫn chính quyền đang tỏ ra bất lực trước vấn nạn này.


Vào ngày 19/10, tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 738 (thuộc địa bàn xã Chư Krei, huyện Kông Chro) thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý có 106 cây căm xe, cà chít với đường kính từ 30 cm đến 60 cm bị đốn hạ với khối lượng gỗ lên đến 51,630 m3.


Hiện trường một vụ phá rừng trái phép ở Kong Cho.


Điều đáng nói ở đây, địa điểm lâm tặc khai thác rừng chỉ nằm cách trục đường chính của xã chưa đến 500 mét, cách trụ sở UBND xã Chư Krei chỉ chừng 7 km.


Trong khi đó, tại xã Chư Krei, ngoài lực lương công an xã, có thêm 1 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, 3 cán bộ của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa phụ trách thường xuyên túc trực, nhưng vụ khai thác này vẫn không được phát hiện cho đến khi Chủ tịch UBND huyện nhận được tin báo.


Sự việc trên chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 31/10, cơ quan chức năng huyện Kông Chro tiếp tục phát hiện tại lô 7, 9, khoảnh 3,4, tiểu khu 738 cũng thuộc địa bàn xã Chư Krei, do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa quản lý có 57 gốc cà chít bị đốn hạ, tổng khối lượng thiệt hại 44,7 m3.


Như vậy, chỉ trong tháng 10/2012 tại tiểu khu 738, cơ quan chức năng huyện đã phát hiện và thu giữ hơn 95m3 gỗ bị khai thác trái phép. Trước đó, vào ngày 20/3, Hạt kiểm lâm và Công an huyện Kông Chro cũng đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 22m3 gỗ căm xe (nhóm 2), cà chít (nhóm 3) chưa rõ nguồn gốc được tập kết tại khu vực làng Chrao, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro. Và số gỗ này cũng được khai thác thuộc địa phận do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý.


Liên tiếp các vụ khai thác rừng trái phép được phát hiện trong thời gian ngắn đang làm nóng lên dư luận nơi đây. Dự luận đặt câu hỏi liệu có hay không các việc ngành chức năng ở đây bảo kê cho “lâm tặc” khai thác rừng (?). Hy vọng các ngành chức năng huyện Kông Chro sẽ sớm xử lý nghiêm những các nhân, tổ chức để mất rừng, làm bài học cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.



Quang Thái