04:06 09/04/2016

Liên thông thủ tục đất đai tạo thuận lợi cho người dân

Bộ Tư pháp đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn liên thông về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế để triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Thông tin trên được ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 8/4, tại Hà Nội.

Giảm thời gian, chi phí

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, khi áp dụng mô hình liên thông này sẽ tiết kiệm được chi phí và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý. Cụ thể, đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, số lần đi lại làm thủ tục hành chính (TTHC) được tối giản, chỉ phải đến duy nhất một đầu mối là phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng để nộp hồ sơ, ký hợp đồng và nhận kết quả thay vì phải đi lại 3 - 4 lần đến 3 cơ quan, tổ chức (gồm văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, kho bạc) như hiện nay.

Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo sáng 8/4.

Bên cạnh đó, hồ sơ thực hiện sẽ giảm bớt được các thành phần trùng lặp, không cần thiết. Cụ thể, với thủ tục công chứng, trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì cho phép lựa chọn nộp bản sao giấy tờ tùy thân hoặc xuất trình bản chính để đối chiếu. Với thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, sẽ không yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký.

Với thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế, sẽ không yêu cầu nộp quyết định giao đất, mua bán, tặng cho, thừa kế, giấy phép xây dựng...; không yêu cầu nộp giấy tờ, hóa đơn chứng minh đã nộp tiền thuê đất, sử dụng đất... Đặc biệt, chi phí thực hiện một quy trình thủ tục liên quan tới đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giảm đáng kể.

“Theo đánh giá sơ bộ, chi phí làm TTHC theo quy trình hiện tại là khoảng 355.000 đồng/trường hợp (tính thời gian thực hiện ngắn nhất, không phải chờ đợi và thời gian đi lại tối thiểu). Trong khi đó, nếu áp dụng liên thông chỉ còn khoảng 145.000 đồng/trường hợp, giảm bớt được các hồ sơ trùng lặp, không cần thiết. Việc làm này cũng sẽ hạn chế thất thoát thuế cho Nhà nước và tăng cường theo dõi, quản lý biến động đất đai đồng thời giúp văn phòng đăng ký đất đai giảm tải công việc”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hơn 70.000 trẻ đã có số định danh cá nhân

Cũng tại buổi họp báo về công tác tư pháp quý I/2016, công tác hộ tịch, đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cũng nhận được nhiều sự quan tâm của báo giới. Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân đã được triển khai thí điểm từ ngày 4/1/2016 tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. “Tính đến 9h15 phút hôm nay (8/4), hệ thống ghi nhận có 74.482 trường hợp được đăng ký khai sinh, trong đó 71.353 trường hợp được cấp số định danh cá nhân”, ông Khanh cho biết.

Nhận xét về thuận lợi trong việc khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch nói chung, theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh, tất cả các trường hợp được cấp số định danh cá nhân có thể khai thác được ngay thông tin mà không phải xuất trình bất kỳ giấy tờ nào.

Tuy nhiên, nhấn mạnh về những vấn đề còn tồn tại, ông Khanh cho biết có ba khó khăn chính cần khắc phục. Thứ nhất là khó khăn về kỹ thuật khi có tới hơn 130 đơn vị (thuộc 5 tỉnh, thành phố thí điểm) vẫn chưa kích hoạt được tài khoản và chưa nhập được dữ liệu. Thứ hai là tình trạng sai sót khi nhập dữ liệu còn phổ biến. “Có một điều đáng ngạc nhiên trong việc nhập dữ liệu là Hà Nội sai sót nhiều nhất với hơn 300 trường hợp và có nhiều trường hợp thậm chí phải hủy số định danh cá nhân. Trong khi đó, công chức ở huyện Quế Phong, Nghệ An chỉ có 2 trường hợp sai sót”, ông Khanh chia sẻ. Ngoài ra, ông Khanh cũng bày tỏ lo ngại về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ còn hạn chế sẽ không đáp ứng được việc triển khai đồng bộ toàn quốc phần đăng ký khai sinh nói riêng và đăng ký hộ tịch nói chung.
Bài và ảnh: Thu Phương