10:10 24/10/2011

Liên minh kinh tế Âu - Á có thể được thành lập vào năm 2015

Tại cuộc gặp mới đây ở Saint Peterbourg (Nga), 8 quốc gia thuộc SNG đã ký Hiệp ước về Khu vực Thương mại Tự do (FTZ), mở đường cho việc thành lập Liên minh kinh tế Âu - Á (EEC).

Tại cuộc gặp mới đây giữa những người đứng đầu chính phủ các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở Saint Peterbourg (Nga), 8 quốc gia gồm Nga, Ucraina, Bêlarút, Cadắcxtan, Ácmênia, Cưrơgưxtan, Mônđôva và Tátgikaxtan đã ký kết một văn kiện có ý nghĩa quan trọng - Hiệp ước về Khu vực Thương mại Tự do (FTZ), mở đường cho việc thành lập Liên minh kinh tế Âu - Á (EEC).

Lãnh đạo các nước thuộc SNG tại cuộc gặp mới đây ở Saint Peterbourg. Ảnh: Internet.


Nhân cuộc gặp nói trên, những người đứng đầu chính phủ Nga, Bêlarút và Cadắcxtan còn ký một bản tuyên bố củng cố dự định thành lập EEC. Theo Thủ tướng Nga Vladimir Putin, EEC có thể được thành lập sớm nhất là vào năm 2015, với điều kiện công việc chuẩn bị phải khẩn trương giống như quá trình thành lập Liên minh Hải quan. Quá trình chuẩn bị này phải giải quyết một khối lượng lớn các văn bản pháp quy và thay đổi pháp luật hiện hành. Trong khuôn khổ EEC, các bên sẽ tiếp tục liên kết sâu hơn, kể cả việc đơn giản hoá chế độ cấp thị thực.

Tuy nhiên, các nước đều không muốn lặp lại những sai lầm của những người tiền nhiệm là đã liên kết với nhau quá chặt. Thủ tướng Cadắcxtan Karim Masimov cho rằng, kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU) với những khó khăn hiện nay cho thấy nếu như không thể thực hiện được một số cam kết, thì không cần đặt ra vấn đề đồng tiền chung trong chương trình nghị sự vào lúc này.

Thủ tướng Putin cho rằng, đồng tiền chung phải ra đời trên cơ sở các nền tảng về kinh tế đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nói về khả năng một số nước xin ra khỏi khu vực đồng euro, ông Putin coi điều này là không thể chấp nhận được đối với EEC.

Một chủ đề khác của cuộc gặp trên là việc mở rộng Liên minh Hải quan do Cưrơgưxtan xin gia nhập và tiếp theo có thể là Tátgikaxtan. Do Tátgikaxtan không có đường biên giới chung với các nước thành viên Liên minh Hải quan nên Đusanbe phải chờ đợi tới khi Biskếch được gia nhập tổ chức này.

Thủ tướng Massimov nhận định, đối với Cadắcxtan, vấn đề gia nhập của Cưrơgưxtan là rất nhạy cảm. Ông nói, các nước thành viên của Liên minh Hải quan phải xây dựng một đường biên giới đầy đủ giá trị với Cưrơgưxtan, nơi chưa bao giờ có biên giới.

Nói về việc gia nhập Liên minh Hải quan của Ucraina, Thủ tướng Putin nhấn mạnh, nếu Ucraina ở một giai đoạn phát triển nhất định và không bị những ám ảnh chính trị, thì việc gia nhập Liên minh Hải quan là đúng đắn và các nước thành viên sẵn sàng bắt đầu một cuộc đối thoại trực tiếp với nước này.

Bình luận về ý tưởng thành lập EEC, Thủ tướng Bêlarút Mikhail Myasnikovich nhấn mạnh, tất cả các nước muốn gia nhập Liên minh Hải quan và Không gian kinh tế thống nhất phải tuân theo các quy tắc chung như Tổng thống Bêlarút Alexander Lukashenko đã tuyên bố. Thủ tướng Putin đồng ý với những đề xuất của người đứng đầu Nhà nước Bêlarút.

Thủ tướng Putin cũng thông báo ban lãnh đạo tập đoàn Gazprom đã kết thúc các cuộc đàm phán với Bêlarút về vấn đề khí đốt. Từ năm 2012, Minxcơ sẽ nhận được năng lượng của Nga theo giá mới có tính đến cái gọi là "sự giảm giá hội nhập". Tuy nhiên, điều này không thể tiếp tục lâu dài và các bên sẽ cố gắng tiến tới thực hiện giá ngang nhau mà theo đó giá khí đốt Nga bán cho nước láng giềng sẽ dần dần tăng lên.

Cường Dũng (P/v TTXVN tại LB Nga)