01:17 12/01/2021

Liên kết quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP

Phó Giám đốc Sở Công Thương Phan Thị Thu Oanh khẳng định, sau 2 năm (2019 – 2020) thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay chương trình đã và đang góp phần làm đa dạng, phong phú thêm những sản phẩm mang thương hiệu sản xuất tại Bạc Liêu (muối, tôm Bạc Liêu, yến sào, cá khô…), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2020. Ảnh: baobaclieu.vn

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 68 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó có 16 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 52 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Các sản phẩm rất phong phú và đa dạng, nhưng chưa thâm nhập sâu vào thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn.

Do đó, để sản phẩm OCOP của Bạc Liêu quảng bá rộng rãi, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tại Hội nghị Xây dựng liên kết đưa sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới đây, Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh Bạc Liêu và một số chủ thể OCOP đã được UBND tỉnh phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Hội nghị nhằm kết nối hiệu quả các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; phát triển, kết nối các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, qua đó nhằm quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Tỉnh cũng xây dựng hệ thống Trung tâm Thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP (Trung tâm OCOP) gắn với hỗ trợ khởi nghiệp và thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính…

Cùng với đó, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường mối liên hệ, ký kết hợp tác giữa ngành công thương và các địa phương trong khu vực, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các đô thị lớn trong cả nước, với các hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa của tỉnh.

Mặt khác, tỉnh tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, vận động doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ và các hội nghị kết nối giao thương, kể cả các hội nghị, hội chợ tại nước ngoài; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá hàng hóa, đăng ký mã vạch sản phẩm, đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, kiểu dáng, tư vấn trong việc đổi mới mẫu mã sản phẩm, bao bì cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời, thực hiện việc quản trị và nâng cấp sàn thương mại điện tử; liên kết tham gia các website, sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và hướng đến các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế…

Tỉnh cũng khai thác và tổng hợp các thông tin thị trường trên các trang mạng trong và ngoài nước để cung cấp cho doanh nghiệp; tổ chức các điểm trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tại thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và các huyện trong tỉnh…

Nhật Bình (TTXVN)