01:12 19/01/2019

Liên kết khai thác thế mạnh du lịch từ tam giác TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận

Liên kết rời rạc, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, tuyến điểm, cở sở vật chất; hạ tầng giao thông chưa an toàn cho du khách... là những hạn chế bên cạnh kết quả đạt được sau 5 năm liên kết phát triển tam giác du lịch TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận.

Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại hội nghị 5 tổng kết “Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận” giai đoạn 2013-2018 diễn ra tại Bình Thuận vào ngày 19/1.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho rằng việc phát triển du lịch của các địa phương cần có sự liên ngành, liên vùng và hỗ trợ nhau.

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, việc phát triển du lịch phải có tính liên ngành, liên vùng để cùng nâng cao chất lượng sản phẩm và phù hợp với sự phát triển chung của ngành du lịch cả nước. Để xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng, 3 địa phương TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận đã kí kết chương trình phát triển du lịch theo hướng “Một chuyến đi 3 điểm đến” và phát triển thương hiệu du lịch của ba địa phương “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né”. Bước đầu các tour du lịch theo chuyên đề được các doanh nghiệp 3 tỉnh xây dựng, tổ chức khai thác như: Chương trình du lịch sinh thái, du lịch gắn với các hoạt thể thao mạo hiểm - núi; du lịch gắn kết văn hóa, kiến trúc; du lịch sự kiện; du lịch nông nghiệp…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TP Hồ Chí Minh, trong tam giác phát triển du lịch 3 tỉnh, TP Hồ Chí Minh liên kết khá chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận, thường xuyên đưa các đoàn khách về tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh vẫn chưa kết nối chặt được với tỉnh Lâm Đồng. Đây là điều các nhà quản lý cần suy nghĩ để tăng tính hiệu quả trong liên kết 3 địa phương. Trong đó, chú trọng định hướng doanh nghiệp lữ hành 3 tỉnh phát triển các sản phẩm mới, phát triển nguồn nhân lực chung của ba địa phương để tăng tính hiệu quả cho việc liên kết vùng du lịch.

Ông Đức Trung, Công ty mạo hiểm Việt tại Lâm Đồng, cho rằng việc các tỉnh liên kết hay không liên kết đơn vị doanh nghiệp lữ hành vẫn phải làm, tuy nhiên nếu việc liên kết giữa các tỉnh có hiệu quả và bắt nhịp tốt sẽ là sự cộng hưởng tốt cho doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, khi liên kết có hiệu quả, du khách sẽ có một chương trình du lịch khép kín và đảm bảo được chất lượng, giá cả của chương trình tour đó.

“Tuyến điểm Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng) đang bị bỏ ngỏ về khâu quản lý và triển khai rất tự phát đang làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch và môi trường sinh thái, trong khi tuyến điểm này đang rất hot đối với du khách TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là giới trẻ. Hoặc đơn vị mới bán một tour là du khách trẻ TP Hồ Chí Minh trải nghiệm tuyến điểm từ Đà Lạt xuống Bình Thuận. Theo đó, du khách lên Đà Lạt sau đó đạp xe xuống Phan Thiết (Bình Thuận), tuy nhiên giao thông cung đường từ Đà Lạt xuống Bình Thuận rất xấu, đường nhỏ hẹp lại có nhiều ổ gà rất nguy hiểm cho du khách. Vì vậy, nên chăng các nhà quản lý cần cải thiện, nâng chất của giao thông, hạ tầng cơ sở… tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phát triển sản phẩm”, ông Trung cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Đại diện Vietravel mong muốn 3 tỉnh nên chọn ra sản phẩm du lịch đặc trưng, cụ thể để doanh nghiệp có thể chào bán cho du khách.

Để việc liên kết 3 tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đại diện Công ty Vietravel cho rằng, cần phân công công việc rõ ràng cho ba tỉnh. Chẳng hạn khi thực hiện phát triển sản phẩm du lịch chung của 3 tỉnh nên giao kế hoạch cụ thể cho từng tỉnh thực hiện trong từng năm. Sau 1 năm, cần có chương trình tổng kết, đánh giá hiệu quả để tỉnh đó có mục tiêu chính phấn đấu thực hiện tốt sản phẩm, đạt hiệu quả cao, tránh sự liên kết rời rạc như năm qua. Mặt khác, 3 tỉnh cần ngồi với nhau để chọn ra sản phẩm du lịch đặc trưng, giới thiệu cho doanh nghiệp lữ hành để doanh nghiệp chào bán với khách hàng. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết sau cuộc họp của ba tỉnh, ba tỉnh sẽ tập hợp các ý kiến để kiến nghị lên Chính phủ có một chương trình kích cầu du lịch chung của 3 địa phương. Chương trình kích cầu du lịch chung này sẽ có giá tốt nhất dành cho doanh nghiệp lữ hành và du khách. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch chung của 3 tỉnh, trong đó Sở Du lịch các tỉnh có vai trò cầu nối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp định hướng, phát triển sản phẩm chung. Ngoài ra, các địa phương cần quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch chung theo từng đối tượng, đối tượng nào thì quảng bá sản phẩm du lịch cho đối tượng đó, không hạn chế là khách nội địa mà có thể phát triển sản phẩm dành cho du khách quốc tế.

Trong khuôn khổ hội nghị, ba tỉnh TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận cũng đã thực kí kết hợp tác phát triển tam giác du lịch “TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận giai đoạn 2019-2024”. 

Trong 5 năm (2013-2018), nhờ việc kí kết hợp tác phát triển tam giác du lịch 3 địa phương mà tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư về du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Cụ thể: Bình Thuận có 239 dự án du lịch do các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh đến đầu tư (chiếm 62% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư) với tổng diện tích 4.617 ha, tổng số đầu tư là gần 31.250 tỷ đồng; sản phẩm chủ lực là lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng. Tỉnh Lâm Đồng có 100 dự án do các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đầu tư, chiếm 44% tổng số dự án được chấp thuận tại tỉnh, với tổng số vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng; sản phẩm đầu tư chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan. Việc phát triển giao thông liên kết giữa ba địa phương, đã hình thành các dự án giao thông như: tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết đã được thực hiện, thực hiện dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo tuyến dường sắt TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết, xây dựng đường hàng không TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng… Sắp tới, sân bay Phan Thiết cũng được triển khai để kết nối TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết bằng hàng không.
Hoàng Tuyết/Báo Tin tức