11:11 23/11/2020

Liên kết hộ chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa

Để chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã và đang khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn theo chuỗi, từ sản xuất đến chế biến. Qua đó, mô hình liên kết giữa các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng được đẩy mạnh và dần hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chú thích ảnh
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thiệt, thôn Phú Vinh, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chuyển đổi từ đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi gà đẻ với tổng đàn hơn 2.000 con gà giống Ai Cập, mỗi tháng thu nhập gần 100 triệu đồng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm. Hầu hết các chuỗi liên kết được hình thành đều xuất phát từ những dự án đầu tư của doanh nghiệp và từ mối liên kết giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi.

Ông Đăng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp về chuyển đổi phương thức sản xuất từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Cải tạo đàn giống, cải tiến quy trình chăn nuôi và chăm sóc vật nuôi, sang chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, các địa phương từng bước thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng; đồng thời ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, như: Sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tự động hóa một số thiết bị chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái trong chăn nuôi…

Một trong những mô hình liên kết chăn nuôi gia cầm mang lại hiệu quả nhất hiện nay phải kể đến mô hình liên kết chăn nuôi gà thương phẩm của Công ty cổ phần Dịch vụ nông nghiệp Happy farm, huyện Thọ Xuân đã liên kết với các hộ dân tại các huyện: Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân để nuôi gà lông màu thả vườn, với quy mô tối thiểu đạt 1.000 con/lứa/trang trại, tối đa là 10.000 con/lứa/trang trại.

Việc liên kết được thực hiện theo phương thức doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, chịu trách nhiệm tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, chống dịch bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi con nuôi đến tuổi xuất bán. Mô hình liên kết được thực hiện theo hướng tập trung, quy mô lớn và theo chuỗi, nên con nuôi không những sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, mà thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập của người chăn nuôi được bảo đảm.

Theo những người tham gia liên kết tính toán với trang trại có quy mô tối thiểu 1.000 con thì lãi khoảng 10 triệu đồng/lứa, còn trang trại có quy mô tối đa 10.000 con thì lãi 100 triệu đồng/lứa.

Không chỉ liên kết theo hình thức doanh nghiệp đầu tư vào mà tại nhiều địa phương người chăn nuôi đã tự liên kết với nhau, hỗ trợ nhau phát triển, ví như tại xã Yên Giang (huyện Yên Định) đã mạnh dạn chuyển đổi loại hình từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự do tận dụng trong các nông hộ, phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại vừa và lớn, nông hộ vừa và nhỏ quy mô tập trung, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, hướng tới xuất bán, hình thành vùng chăn nuôi mang tính hàng hóa. Hiện toàn xã Yên Giang đã có tới 32 hộ tham gia.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch huyện Yên Định cho biết, việc liên kết chăn nuôi gia cầm giữa các hộ dân gắn với thị trường tiêu thụ trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đặc biệt là chăn nuôi gà tại xã Yên Giang, các chủ trang trại tự liên kết với nhau hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ và chung nhau thu mua con giống, thức ăn, tiêm phòng thú y… nhằm giảm chi phí trong chăn nuôi… Qua đó giảm được chi phí và nâng cao hiệu trong chăn nuôi.

Thực tế thời gian qua cho thấy, liên kết và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi giá trị là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, là xu thế phát triển tất yếu. Các cấp quản lý và người chăn nuôi cần nâng cao nhận thức về tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, từ đó xây dựng các chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất phát triển, cũng như xử lý, điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý phát sinh giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất.

Tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia cầm tập trung và nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế; đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)