11:22 23/11/2011

Liên kết du lịch vùng duyên hải miền Trung

Để có giải pháp phát triển du lịch khu vực duyên hải miền Trung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và lãnh đạo các tỉnh miền Trung mới đây đã tổ chức buổi Tọa đàm ''Phát triển du lịch duyên hải miền Trung'' tại Hà Nội...

Để có giải pháp phát triển du lịch khu vực duyên hải miền Trung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và lãnh đạo các tỉnh miền Trung mới đây đã tổ chức buổi Tọa đàm ''Phát triển du lịch duyên hải miền Trung'' tại Hà Nội để lấy ý kiến của các doanh nghiệp du lịch về hướng liên kết trong thời gian tới sao cho hiệu quả.

Tìm lời giải

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định, dải đất duyên hải miền Trung (gồm 7 tỉnh: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa), có lợi thế tài nguyên du lịch biển, các di sản văn hóa thế giới và sự đa dạng về sinh thái và môi trường. Trong những năm qua, du lịch khu vực này đã có những bước tiến về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, lưu trú... nhưng còn đơn lẻ. Do đó, Bộ và lãnh đạo tỉnh miền Trung muốn lắng nghe góp ý của doanh nghiệp làm du lịch để có những định hướng cho phát triển du lịch miền Trung.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên).


Ông Phan Đức Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, muốn hút khách, việc làm trước tiên là quảng bá. Muốn quảng bá phải có nhận dạng thương hiệu. Trong khi đó, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xác định thương hiệu du lịch quốc gia và thương hiệu vùng để tiến hành các chiến dịch xúc tiến quảng bá. Do vậy, cần có sự liên kết xây dựng sản phẩm đặc thù chung cho khu vực miền Trung và tiến hành xúc tiến quảng bá cho cả vùng để tạo sức mạnh thu hút khách du lịch. Các tỉnh xây dựng sản phẩm đặc thù để giới thiệu để tránh trùng lặp giữa các tỉnh. Đồng thời phải xây dựng chiến dịch quảng bá thời gian dài, trước đó ít nhất 6 tháng để quảng bá tới du khách.

Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng (Vitour) đề xuất nên xây dựng chùm tour duyên hải miền Trung giống như chùm tour di sản miền Trung vốn đã rất thành công; có thể đến từ sân bay Đà Nẵng và kết thúc tour ở Khánh Hòa.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist, cho rằng cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho du lịch, cụ thể là các sân bay và cảng biển. Cần xây dựng các cảng biển chuyên dụng phục vụ du lịch, tránh tình trạng “tăng- bo” từ tàu vào như hiện nay. Hiện nay chúng ta vẫn tính theo kiểu đón được bao nhiêu khách chứ chưa tính đến chất lượng khách, chi tiêu nhiều không? Du lịch nghỉ dưỡng cần tạo ra nhiều dịch vụ để tăng thu.

Bên cạnh đó, cả vùng có ba sân bay quốc tế nên nhằm thị trường nào để đường hàng không hiệu quả. Thị trường khách miền Trung lấy từ hai đầu Hà Nội, TP.HCM. Sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng đón khách quốc tế từ khu vực thì nhắm đến ASEAN, Đông Bắc Á, Trung Quốc và Ôxtrâylia, Viễn Đông của Nga, thị trường Tây Âu.

Chọn du lịch là hướng đột phá trong phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng TCDL cho biết, trong các tỉnh duyên hải này có thể thấy sự thành công của Đà Nẵng, Hội An và từ đó rút kinh nghiệm trong phát triển du lịch. Trước tiên là quyết tâm của lãnh đạo cấp cao của địa phương, từ đó xây dựng được những chính sách hiệu quả cho phát triển du lịch; cùng với đó là sự chú trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời huy động được sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển du lịch. Trong quá trình đầu tư cho du lịch, các tỉnh tập trung vào phát triển sản phẩm và thị trường để tránh trùng lặp vì du lịch biển khu vực này có đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, từng tỉnh tạo liên kết sản phẩm du lịch như Đà Nẵng đang làm là du lịch biển kết hợp với du lịch núi Bà Nà và bán đảo Sơn Trà.

Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định: Bản chất của du lịch là liên kết trong các hoạt động, liên kết giữa các ngành từ môi trường, giao thông, dịch vụ thương mại... để tạo sản phẩm nhất định. Trong lễ ký liên kết 7 tỉnh duyên hải miền Trung có lãnh đạo cao nhất của các tỉnh trên gồm Bí thư và Chủ tịch tỉnh tạo ra nhận thức thống nhất cùng hành động. Bước đầu, nhóm liên kết này hình thành tổ tư vấn, tài trợ để phát triển. Trước tiên sẽ là liên kết giữa nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch để có cùng tiếng nói. Ví dụ như đường hàng không, đơn vị làm du lịch than thở máy bay nhỏ, chậm, nhưng cũng thấy thực tế, do du lịch chưa phát triển, nên chưa nhiều khách nên hãng hàng không Vietnam Airlines chưa thể sử dụng máy bay lớn. Do đó, giai đoạn đầu tỉnh sẽ bù lỗ để tạo đà duy trì đường bay.

“Năm du lịch quốc gia 2011 do Phú Yên đăng cai tổ chức đã bước đầu thực hiện được việc quảng bá quy mô, trong đó giới thiệu Phú Yên có 7 danh thắng quốc gia như núi Đá Bia, mũi Điện; ghềnh Đá Đĩa; đầm Ô Loan… Đây là cơ sở tạo điểm đến có sự khác biệt. Tuy nhiên, các danh thắng này vẫn còn hoang sơ và chưa được đầu tư, tỉnh Phú Yên kêu gọi doanh nghiệp đến Phú Yên cùng đầu tư tạo sản phẩm, đồng thời lắng nghe góp ý của doanh nghiệp, hy vọng trong 5-7 năm nữa sẽ có nhiều sản phẩm du lịch hút khách, xứng với tiềm năng”, ông Lộc cho hay.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Việc xác định liên kết giữa các tỉnh duyên hải miền Trung là cần thiết. Buổi tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhà đầu tư để lãnh đạo các tỉnh lắng nghe những khó khăn, vướng mắc để từ đó có những giải pháp phát triển du lịch là một trong những định hướng phát triển kinh tế vùng. Trước khi có cơ chế, chính sách cụ thể, ngày 19/12/2011, Phú Yên sẽ đăng cai tổ chức hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung” để lấy ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, qua đó đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế của vùng.

Bài và ảnh: Xuân Minh