05:08 01/05/2017

Liên kết để khai thác tiềm năng đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết vùng là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay với đầy đủ tính bức thiết của nó, tuy nhiên, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, tùy vào thế mạnh của từng tỉnh để phát triển kinh tế địa phương.

Sự phát triển thiếu liên kết, thiếu chiến lược tổng thể cho cả vùng khiến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn...

Cần người cầm trịch

Trong một hội nghị gần đây về vấn đề liên kết vùng, ông Trần Trí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho rằng, cần nhìn thẳng vào những bất cập tồn tại của vùng, trên cơ sở đó phân trách nhiệm cho các địa phương. Việc liên kết vùng đã được nói đến từ nhiều năm nay, đây là đòi hỏi tất yếu, nhưng nhất thiết phải có “đầu mối”, và phải liên kết vào các lĩnh vực trọng điểm cụ thể. Vấn đề là ai sẽ là chủ thể làm những việc này.

Một góc vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Bé được trồng trên vùng đất nhiễm phèn nặng Đồng Tháp Mười thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Băn khoăn của ông Trần Trí Dũng cũng chính là “vướng mắc” lớn khiến chính sách liên kết vùng ở ĐBSCL lâu nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. Dù rằng, việc liên kết các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng tỉnh cũng như xúc tiến giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề có tính chất liên vùng, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển... là vấn đề mà Chính phủ cũng như những nhà khoa học đã bàn rất nhiều lần.

Trong điều kiện ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết phải chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như cần có một quy hoạch tổng thể mang tính toàn vùng về phát triển kinh tế nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương và sức mạnh tổng thể của vùng, thì hiện nay, các tỉnh, thành chủ yếu vẫn là mạnh ai nấy làm. Điều này làm cho hiệu quả kinh tế vùng đang có dấu hiệu đi xuống và yêu cầu về liên kết vùng ngày càng trở nên bức thiết.


Theo ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, hiện nay, liên kết vùng trở thành vấn đề sống còn của ĐBSCL, nhưng làm thế nào, cơ chế nào để thực hiện mục tiêu liên kết này thì đến nay, dù rất nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn đã đề cập đến, nhưng chưa lần nào các cơ quan công quyền cùng các địa phương trong vùng trao đổi với nhau về vấn đề này.


Theo ông Hạo, ĐBSCL ngoài các lợi thế về nông, thủy sản còn được biết đến là vùng có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp chế biến nông thủy sản, năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, ĐBSCL hiện vẫn là “vùng trũng” của cả nước ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư... Đặc biệt, vùng này đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt, trong khi đó, nguồn lực tài chính lại yếu kém. Trừ Cần Thơ, còn lại tất cả các địa phương khác đều phải lệ thuộc vào ngân sách trợ cấp của Trung ương.


Trong khi đó, vấn đề liên kết vùng, được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL thì vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Chủ trương liên kết vùng tuy đã được bàn thảo nhiều nhưng chủ yếu vẫn còn nằm trên giấy, thiếu hẳn cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm nhằm tạo sự phát triển lan tỏa trong vùng. Các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm, chưa có sự phối hợp, thậm chí còn cạnh tranh gây bất lợi cho phát triển trong nội vùng... Chính những hạn chế trong tư duy, nhận thức này đã tạo ra những lực cản cho liên kết vùng, làm chậm quá trình phát triển của từng địa phương cũng như việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng của khu vực.


Một trong những rào cản của liên kết vùng chính là việc không gian kinh tế vùng bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Vấn đề này đòi hỏi các ngành chức năng phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, cần tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho toàn vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng các tỉnh ven biển, phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ... gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.


Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất khiến việc liên kết vùng ở ĐBSCL thời gian qua chưa đi vào thực tế là do các tỉnh, thành trong vùng vẫn có tư duy quá chú trọng vào lợi ích riêng của địa phương. Yêu cầu bức thiết của sự liên kết phải xuất phát từ lợi ích chung của các bên tham gia, chính vì vậy, vấn đề lợi ích của từng địa phương cần được phân chia hợp lý thì mới tạo được sự liên kết bền vững. Nhưng cũng chính từ việc quá quan tâm đến quyền lợi của từng địa phương riêng rẽ khiến việc liên kết cứ phải chờ bàn bạc, chỉnh sửa rồi mới đưa vào triển khai thực hiện, làm chậm quá trình triển khai thực hiện.


Về vấn đề này, ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất, đối với các tỉnh, thành phố có tiềm năng giống nhau, cần so sánh lợi thế của từng địa phương để xác định mức độ ưu tiên phát triển nhằm hạn chế sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.


Vấn đề đặc biệt quan trọng trong xây dựng mối liên kết vùng, cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, động lực phát triển của TP Cần Thơ và các vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, bao gồm: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ, nhằm tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển chung cho cả vùng.


Về mặt tổng thể, ông Rạnh cho rằng, Chính phủ nên lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, bức xúc để thực hiện thí điểm liên kết vùng trong giai đoạn từ nay đến 2020 một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Trong đó tập trung thực hiện liên kết về lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế tiềm năng nhất của vùng và có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả.


Cần bắt tay làm ngay...


Đó là quan điểm chung của nhiều địa phương, khi vấn đề liên kết vùng đã được bàn thảo quá nhiều mà vẫn chưa có sự liên kết cụ thể. Lãnh đạo nhiều địa phương cũng thống nhất quan điểm phải bắt tay vào thực hiện ngay và sẽ tiếp tục điều chỉnh về mặt chính sách từ thực tế triển khai.

Ông Châu Văn Bối tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, Bến Tre trồng 2 ha bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao từ việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ, cách nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy mần” lâu nay đã ăn sâu vào tiềm thức của nông dân Nam Bộ, bây giờ là lúc cần mạnh dạn thay đổi. Nếu không có sự hợp tác làm ăn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay của vùng ĐBSCL, nếu không hợp tác thì nông nghiệp không thể thoát khỏi cái “bẫy sản xuất nhỏ”, là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng sản phẩm thấp, không đồng đều, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cũng như mở rộng thị trường...

Cái lợi của việc mua chung, bán chung, dùng chung như ông bà thường nói “buôn có bạn, bán có phường” ai cũng có thể nhìn thấy được, tuy nhiên, khi chỗ này mới bắt đầu manh nha chuyện hợp tác thì chỗ kia lại muốn rã ra. Vấn đề là phải vượt qua những định kiến lâu nay, phải xóa được tư duy “một mình một chợ” để cùng hợp tác, mở rộng sản xuất, để đủ sức cạnh tranh trong thời buổi hội nhập và phải bắt tay vào thực hiện.


Một trong những mô hình “tiên phong” của tỉnh Đồng Tháp là xây dựng đề án liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Trên cơ sở có nhiều điểm tương đồng về sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên... giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, ba tỉnh này đã triển khai liên kết nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp; đồng thời thống nhất về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên bền vững trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập. Đề án liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười” được triển khai cuối năm 2016 và đang được đánh giá là một trong những mô hình liên kết phát huy hiệu quả rất tốt.


“Liên kết vùng ĐBSCL, chúng ta đã bàn nhiều rồi, giờ làm đi. Phải cố gắng làm trên tinh thần tự nguyện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, để biến thành hành động thực tiễn”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Không chỉ mô hình liên kết của Đồng Tháp đang phát huy hiệu quả, theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thời gian qua sản xuất nông nghiệp của các địa phương vùng ĐBSCL cũng đang có những bước phát triển khá toàn diện. Các địa phương đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường, xây dựng được những vùng nông sản theo hướng “thực hành sản xuất tốt”, thân thiện với môi trường như mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “ 3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”...


Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình đang tạo được hiệu quả, vấn đề liên kết vùng vẫn đang đối diện với nhiều rào cản, đòi hỏi quá trình liên kết phải được thực hiện một cách sâu rộng và chặt chẽ hơn. Thực tế cho thấy, dù các địa phương tại vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đổi mới việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề ổn định đầu ra cho các loại nông sản, nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa đủ sức để giải quyết bài toán ổn định đầu ra cho các loại nông sản trong cơ chế thị trường.


Trình độ sản xuất riêng lẻ, thiếu liên kết vẫn là mô hình sản xuất khá phổ biến hiện nay. Thực trạng này đã và đang đặt ra yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp cận vấn đề giải quyết đầu ra cho nông sản bằng một cái nhìn rộng, mang tính toàn diện chung cho cả vùng và cả nước, không thể giải quyết riêng lẻ, cục bộ từng địa phương.


Về bài toán đầu ra cho nông sản, bên cạnh việc thực hiện liên kết sản xuất để tạo ra những sản phẩm đồng bộ về mặt chất lượng, sản lượng ổn định... các chuyên gia cho rằng, cần phải có sàn giao dịch hàng hóa nông sản, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, nhằm giúp người sản xuất chủ động tiếp cận thông tin nhu cầu thị trường, tránh điệp khúc “được mùa rớt giá” như lâu nay.


Chẳng hạn, trong lĩnh vực cây ăn trái, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, cái yếu của nông dân hiện nay là khâu nắm bắt thị trường. Người sản xuất gần như không nắm được thông tin gì về tình hình sản xuất các loại cây ăn trái của thế giới, nhu cầu của thị trường ở từng chủng loại trái cây cụ thể vào những thời điểm cụ thể.


Điều này đòi hỏi các địa phương trong nước cần có sự liên kết chặt với nhau và phát triển sản xuất trái cây theo hướng chất lượng cao gắn với làm tốt công tác nắm bắt thông tin thị trường, điều tiết sản xuất, xử lý cho cây ra trái rải vụ. Ngoài ra, cần thành lập sàn giao dịch trái cây và các loại nông sản của ĐBSCL gắn với thực hiện tốt việc liên kết vùng nhằm giúp nông dân tại các địa phương có sự chủ động điều chỉnh sản xuất một cách hợp lý.


Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc liên kết của từng tỉnh, từng tiểu vùng phải đảm bảo tổng thể của cái chung. Các địa phương phải tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT lựa chọn các sản phẩm chủ lực để phát triển chuỗi và xây dựng thương hiệu.


Các bộ, ngành cũng cần quan tâm thực hiện những kết luận tại hội nghị về biến đổi khí hậu vừa qua, cập nhật bản đồ về biến đổi khí hậu, bản đồ nước ngầm... ngành nông nghiệp cần quan tâm phát triển chuỗi giá trị chủ lực cho vùng như tôm, cá tra, lúa gạo và trái cây, quan tâm phát triển HTX kiểu mới... Trong chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phải làm tốt vai trò tham mưu với các cấp Trung ương để cùng địa phương tập hợp sức mạnh đưa vùng ĐBSCL phát triển...

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân: Riêng lẻ sẽ mất sức cạnh tranh

Hơn chục năm nay, ĐBSCL rơi vào tụt hậu bởi các mô hình sản xuất chậm đổi mới. Đáng lo ngại là tình trạng “mạnh ai nấy làm” đã dẫn đến cạnh tranh nội bộ, tranh mua, tranh bán, tranh nhau thu hút đầu tư... thậm chí có trường hợp triệt hạ nhau không đáng có. Nguyên nhân cũng vì thiếu sự liên kết. Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương cần phải phát huy vai trò của cộng đồng vào tái cơ cấu, nhất là phải gắn kết 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và thương mại lại với nhau. Một khi vẫn còn riêng lẻ thì đồng nghĩa với việc nền kinh tế chưa có sức cạnh tranh.


TS. Lê Viết Thái, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Bỏ ngỏ khâu triển khai

Nguyên nhân chính khiến việc liên kết vùng chưa đạt hiệu quả cao là do một số địa phương vẫn tỏ ra chưa mặn mà trong việc liên kết với các thành phố lớn vì tâm lý cho rằng, liên kết với tỉnh mạnh thì dễ được lợi hơn, còn liên kết với tỉnh yếu thì không được lợi và liên kết với tỉnh ngang nhau thì không được gì, thậm chí dễ rơi vào thế cạnh tranh hơn là hợp tác. Chính vì vậy, các địa phương mặc dù đã chủ động ký kết với nhau rất nhiều văn bản hợp tác liên kết, song hiện nay các cam kết chỉ mới mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, còn triển khai như thế nào thì vẫn bỏ ngỏ. Phần lớn các hoạt động liên kết chỉ dừng lại ở tham quan, hội thảo chứ chưa phát triển thành các hoạt động liên kết thực tế, mang tính chiều sâu và toàn diện.


Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Hình thành cụm liên kết tiềm năng

Cần hình thành cụm liên kết tiềm năng của vùng ĐBSCL đối với sản phẩm lúa gạo, trái cây và thủy sản. Đối với sản phẩm lúa gạo cần tập trung vào các giải pháp như nghiên cứu giống lúa mới, công nghệ sau thu hoạch, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây mới hoặc mở rộng, nâng cấp các kho trữ gạo; cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa; đổi mới cơ chế quản lý xuất khẩu gạo. Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL, tập trung hoàn thiện cơ cở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm chủ lực này...



Lê Hiền/TTXVN