10:14 11/10/2019

Lịch sử tám lần Mỹ 'phản bội' người Kurd 

Nhìn lại lịch sử thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi miền Bắc Syria, bỏ mặc người Kurd chống đỡ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là lần đầu tiên Mỹ phản bội dân tộc không có tổ quốc này.

Chú thích ảnh
Người Kurd biểu tình phản đối Mỹ rút quân bên ngoài một căn cứ của liên quân quốc tế gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/Getty Images

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi miền Bắc Syria bị chỉ trích là động thái “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động quân sự tại khu vực này. Chỉ vài ngày sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố bắt đầu chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” tấn công vào các lực lượng vũ trang người Kurd ở miền Bắc Syria. 

Như vậy là kịch bản mà người Kurd Syria lâu nay lo sợ đã xảy ra: Người Mỹ, đồng minh mà họ từng kề vai sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố IS trước đây, cuối cùng đã bỏ rơi họ.  

Nhưng nhìn lại lịch sử thì đây không phải là lần đầu tiên người Kurd bị Mỹ "phản bội". Theo tờ Intercept, trong vòng 100 năm qua, Mỹ đã có tới tám lần "phản bội" người Kurd, và những lý do cho điều này khá rõ ràng.

Với khoảng 40 triệu dân, người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông. Dù số lượng lớn, họ không có quốc tịch và sống trên những vùng lãnh thổ trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran tới Armenia. Sau khi Thế chiến I kết thúc với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, người Kurd đã nỗ lực đấu tranh cho một nhà nước Kurd độc lập. Những lời hứa hẹn được đưa ra trong những hiệp ước đầu tiên hướng tới một quốc gia cho người Kurd. Nhưng khi khu vực bị chia rẽ, ước mơ của người Kurd không thể trở thành hiện thực. Từ đó tới nay, họ vẫn theo đuổi nỗ lực lập quốc và tất cả đều bị dập tắt.

Chú thích ảnh
Thường dân Kurd tại Syria sơ tán để tránh cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Với Mỹ, người Kurd một mặt là một công cụ hoàn hảo cho chính sách đối ngoại của Washington. Họ có thể vũ trang cho người Kurd ở bất kỳ quốc gia nào trong số những nước đang là kẻ thù của mình. Nhưng mặt khác, Mỹ cũng không muốn người Kurd mà họ sử dụng trở nên quá mạnh. Nếu điều đó xảy ra, những người Kurd ở những nơi khác cũng có thể được cổ vũ đòi tự do và độc lập.

Vì thế việc sử dụng người Kurd, khi thì liên minh với họ, khi lại cho phép tước bớt sức mạnh của họ, là chính sách mà Mỹ đã áp dụng hết lần này đến lần khác kể từ Thế chiến thứ nhất đến nay.

Lần thứ nhất: Chủ nghĩa dân tộc của người Kurd đã phát triển mạnh vào cuối những năm 1800. Thời điểm này, tất cả các quê hương của người Kurd đều được cai trị bởi Đế chế Ottoman, tập trung chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Nhưng rồi Đế quốc Ottoman sụp đổ sau thất bại trong Thế chiến thứ nhất, và người Kurd tin tưởng đây sẽ là cơ hội của họ.

Hiệp ước Sèvres năm 1920 cho phép chia tách hoàn toàn Đế chế Ottoman, bao gồm hầu hết những gì tạo nên Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, và phân bổ một phần cho người Kurd. Nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu trở lại, gây ra nhiều rắc rối khiến Mỹ phải ủng hộ một hiệp ước mới, ký năm 1923 - Hiệp ước Lausanne. Hiệp ước này cho phép người Anh và Pháp lần lượt kiểm soát Iraq và Syria ngày nay (xem bản đồ dưới), nhưng lại không có điều khoản nào cho người Kurd.

Chú thích ảnh
Bản đồ phân bổ quyền kiểm soát các khu vực thuộc Đế chế Ottoman sau Thế chiến I, người Kurd không có phần.

Đây là lần đầu tiên, và nhỏ nhất, Mỹ phản bội người Kurd. Thời điểm đó, sự phản bội lớn nhất là từ Anh khi họ “nghiền nát” vương quốc Kurdistan vốn đã tồn tại trong một thời gian ngắn ở Iraq vào đầu những năm 1920. Vài năm sau, người Anh rất vui khi chứng kiến sự ra đời nước "Cộng hòa Ararat” của người Kurd, vì nó nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hóa ra người Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng đối với Anh hơn người Kurd, nên cuối cùng London đã để Thổ Nhĩ Kỳ tự do hành động và dập tắt đất nước mới thành lập.

Lần thứ hai: Sau Thế chiến II, Mỹ dần thay thế vị trí của Anh trở thành cường quốc thực dân chính ở Trung Đông. Họ vũ trang cho người Kurd ở Iraq để chống lại chính quyền Abdel Karim Kassem, người cai trị Iraq từ năm 1958 -1963, vì Kassem đã không nghe theo Mỹ.

Sau đó, Washington hậu thuẫn một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1963 - bao gồm cả vai trò hỗ trợ của một nhân vật trẻ tuổi tên là Saddam Hussein - để loại Kassem khỏi ghế quyền lực. Mỹ lập tức cắt viện trợ cho người Kurd và trên thực tế, đã cung cấp cho chính phủ mới ở Iraq cả bom napalm để chống người Kurd.

Lần thứ ba: Đến thập niên 1970, Iraq bắt đầu đi vào quỹ đạo của Liên Xô. Chính quyền Tổng thống Nixon, với “quân sư” Henry Kissinger, đã ấp ủ một kế hoạch với Iran (lúc đó do Shah cai trị và là đồng minh của Mỹ) để vũ trang người Kurd tại Iraq.

Chú thích ảnh
Cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.

Kế hoạch này không phải để giúp người Kurd Iraq giành chiến thắng, vì điều đó có thể cổ vũ cả người Kurd tại Iran trỗi dậy. Nó chỉ nhằm khiến chính phủ Saddam Hussein ở Iraq phải tiêu hao lực lượng.

Sau đó, Mỹ ký các thỏa thuận với Shah (ở Iran) và Saddam (Iraq), đi đến cắt viện trợ cho người Kurd. Quân đội Iraq đã di chuyển lên phía Bắc và tiến hành những cuộc tàn sát trong khi Mỹ làm ngơ trước những lời cầu xin từ đồng minh người Kurd. 

Lần thứ tư: Trong thập niên 1980, chính quyền Saddam bắt đầu tiến hành một cuộc diệt chủng thực sự với người Kurd, được cho là sử dụng cả vũ khí hóa học. Chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan nhận thức rõ việc Baghdad sử dụng chất độc thần kinh, nhưng do muốn duy trì sức mạnh của Iraq để kiềm chế Iran, nên đã phản đối những nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt Iraq.

Lần thứ năm: Khi Mỹ ném bom Iraq trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Tổng thống George H.W. Bush kêu gọi “quân đội và người dân Iraq tự xử lý vấn đề của mình, buộc nhà độc tài Saddam Hussein phải ra đi”.

Cả người Hồi giáo Shi'ite ở miền Nam Iraq và người Kurd ở miền Bắc đều nghe theo lời kêu gọi này và cố gắng thực hiện đúng như vậy.

Nhưng hóa ra ông Bush đã không thành thật 100% về quan điểm của mình. Quân đội Mỹ đã ngồi yên khi quân đội chính phủ Iraq tiến hành các cuộc tàn sát phiến quân trên khắp đất nước. Lý do theo nhà báo nổi tiếng Thomas Friedman của tờ New York Times là “ông Bush không bao giờ ủng hộ phiến quân người Kurd và Shi'ite chống Hussein, hoặc bất cứ phong trào dân chủ nào ở Iraq” bởi chính sách bàn tay sắt của Saddam Hussein lại đem đến sự hài lòng cho các đồng minh Mỹ trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Những gì mà Mỹ muốn là chính quân đội Iraq phải làm nhiệm vụ lật đổ ông Saddam.

Chú thích ảnh
Nghĩa trang các nạn nhân người Kurd bị sát hại bằng khí độc tại Halabja, năm 1988. Ảnh: AFP

Lần thứ sáu: Tuy nhiên hình ảnh người Kurd đang “hấp hối” ở Iraq xuất hiện quá thảm trên truyền hình quốc tế đến nỗi chính quyền Tổng thống Bush buộc phải làm gì đó. Mỹ cuối cùng đã ủng hộ nỗ lực của Anh để bảo vệ người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Sau đó, dưới thời chính quyền Tổng thống Clinton vào thập niên 1990, những người Kurd Iraq này được Mỹ đánh giá là những “người Kurd tốt”. Bởi họ đã bị Iraq, kẻ thù của Mỹ, bức hại, và họ xứng đáng với sự cảm thông từ Washington. 

Tuy nhiên, cộng đồng người Kurd ở phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ lại bắt đầu trở nên kiêu ngạo quá, gây phiền nhiễu đến đồng minh của Mỹ, và họ trở thành những “người Kurd xấu”. Vì thế Mỹ đã cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một lượng vũ khí cũ khổng lồ để tiến hành các chiến dịch tấn công làm hàng ngàn người Kurd thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Chiến binh người Kurd từng là lực lượng nòng cốt chiến đấu chống IS cùng Mỹ. Ảnh: Reuters

Lần thứ bảy: Trước cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003, các học giả như Christopher Hitchens cho rằng nước Mỹ cần làm gì đó để giúp người Kurd. Nhưng nền độc lập thời hậu chiến của người Kurd ở Iraq đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ lo ngại. Năm 2007, Mỹ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch ném bom hạng nặng xuống các mục tiêu Kurd bên trong lãnh thổ Iraq. 

Và lần thứ tám người Mỹ phản bội người Kurd được cho là từ quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump và thái độ làm ngơ của Washington trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem video quân đội Mỹ rút khỏi miền Bắc Syria vài ngày trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd (Nguồn: France 24)

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Intercept)