07:21 20/07/2015

Lịch sử sang trang khi Mỹ-Cuba khôi phục quan hệ ngoại giao

Có thể nói, lịch sử sẽ sang trang mới sau ngày 20/7. Tuy nhiên, cả hai nước đều tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh rằng tất cả mới chỉ là khởi đầu, và rằng việc vượt qua nhiều thập kỷ thù địch với không ít đau thương là điều không đề đơn giản.

Ngày 20/7, Mỹ và Cuba chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thập kỷ thù địch với việc mở cửa trở lại các đại sứ quán tại Washington và La Habana. Đây là thời điểm ghi dấu việc xóa bỏ một trong những dấu tích còn sót lại của thời Chiến tranh Lạnh.

Thành tựu này - một di sản chính sách đối ngoại đáng chú ý của Tổng thống Mỹ Barack Obama - là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa hai cựu thù và được tiến hành trong thời gian khá ngắn, chỉ khoảng vài tháng kể từ khi hai bên nhất trí gạt bỏ sự thù địch để cùng hợp tác phát triển công bằng. Các thay đổi này chủ yếu diễn ra sau khi Washington thừa nhận chính sách mà họ theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua - đó là dùng các biện pháp cô lập và cấm vận kinh tế để gây áp lực buộc Cuba cải cách - đã thất bại, và việc trực tiếp tiếp cận với La Habana mới là cách tốt hơn để đưa họ đến gần với dân chủ và thịnh vượng.

Lần đầu tiên kể từ năm 1961, quốc kỳ Cuba tung bay trước cửa tòa nhà đại sứ quán mới được nâng cấp của La Habana ở Washington, ngay gần Nhà Trắng. Vào lúc rạng sáng, lá cờ có nền sọc xanh trắng với ngôi sao trắng được đặt trong một hình tam giác đỏ này cũng sẽ xuất hiện giữa hàng loạt quốc kỳ của nhiều quốc gia ngay lối vào cửa Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đón tiếp người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez và có các cuộc thảo luận riêng trước khi cả hai tham gia một cuộc họp báo chung vào khoảng 1h45 theo giờ địa phương (17h45 GMT).

Phụ nữ Cuba mặc quần in họa tiết quốc kỳ Mỹ tại thủ đô La Habana.


Trước cuộc gặp với ông Kerry, Ngoại trưởng Cuba Rodriguez sẽ chủ trì buổi lễ nâng cấp Phòng Đại diện Quyền lợi Cuba lên thành Đại sứ quán Cuba tại Washington. Buổi lễ thượng cờ tại Đại sứ quán Cuba ở Washington sẽ diễn ra khá trang trọng với khoảng 5.000 khách mời, trong đó có 30 quan chức từ các phái đoàn ngoại giao, văn hóa cùng nhiều nhà lãnh đạo tới từ các nước vùng Caribe.

Trong khi đó tại La Habana, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu Roberta Jacobson, người dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ trong các cuộc gặp kéo dài suốt 6 tháng qua để dẫn tới kết quả hai bên mở cửa trở lại đại sứ quán ở nước của nhau, sẽ đại diện cho chính phủ Mỹ tham dự buổi nâng cấp tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana. Jeffrey DeLaurentis, Trưởng Phòng Đại diện Quyền lợi Mỹ tại La Habana, sẽ trở thành Đại biện lâm thời. Giới chức ngoại giao Mỹ cho biết sẽ không có các nghi lễ chính thức tại La Habana trong ngày 20/7 và lễ thượng cờ sẽ được dời sang tháng 8 với sự tham dự của Ngoại trưởng Kerry. Tuy nhiên, các công tác chuẩn bị đang được khởi động và văn phòng này đã thay đổi nội dung đề trên các tấm danh thiếp cũng như thư tín sang thành "Đại sứ quán" thay vì "Phòng Đại diện Quyền lợi" như trước đây.

Có thể nói, lịch sử sẽ sang trang mới sau ngày 20/7. Tuy nhiên, cả hai nước đều tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh rằng tất cả mới chỉ là khởi đầu, và rằng việc vượt qua nhiều thập kỷ thù địch với không ít đau thương là điều không đề đơn giản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 17/7 nhấn mạnh rằng giữa hai nước vẫn còn "bất đồng trong nhiều vấn đề", và nhân quyền là một trong số đó.

Nhà phân tích Ted Piccone, thuộc Viện Brookings, cho rằng Mỹ "muốn thay đổi quan hệ thời Chiến tranh Lạnh bằng một cách tiếp cận có tính xây dựng hơn, để từ đó củng cố và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Cuba. Trong khi đó, Cuba lại cần Mỹ, với tư cách là một đầu tàu kinh tế, để giúp họ sửa chữa nền kinh tế xập xệ và hy vọng thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài mới cũng như nguồn nhân lực để cập nhật mô hình xã hội chủ nghĩa, mà không cần phải tiến hành cải cách chính trị. Xây dựng lòng tin song phương là điều quan trọng để hai bên cùng tiến về phía trước".

Ngày 20/7, quốc kỳ 3 màu đỏ, trắng và xanh lam của Cuba đã tung bay bên ngoài trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với quốc kỳ của những nước mà Washington có quan hệ ngoại giao. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhà ngoại giao, nhà phân tích kỳ cựu người Cuba Carlos Alzugaray khẳng định "đây là thời điểm lịch sử", và giờ là lúc những khó khăn thực sự bắt đầu, nhất là trong việc giải quyết các tranh cãi liên quan đến vấn đề kinh tế khi La Habana liên tục yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài suốt 53 năm qua, còn Mỹ không ngừng gây áp lực buộc Cuba thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Ông nói: "Việc hai nước mở cửa trở lại các đại sứ quán là bằng chứng thể hiện lòng tin và sự tôn trọng mà hai phía dành cho nhau... Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ không còn xảy ra mâu thuẫn. Ngược lại, mâu thuẫn thậm chí sẽ còn nhiều hơn. Tuy nhiên, cách họ xử lý và giải quyết các bất đồng sẽ hoàn toàn thay đổi".

Nhiều người Mỹ sinh sống tại Cuba đã đón nhận các tin tức này với nhiều suy nghĩ khá mâu thuẫn, vừa vui mừng vừa hoài nghi.

Bà Rena Perez, 80 tuổi, bày tỏ niềm hân hoan vào đêm trước ngày hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao: "Tôi từng nghĩ rằng mình không thể sống tới ngày này". Bà Perez là một trường hợp khá đặc biệt. Bà là người Mỹ, song đã theo chồng - một người Cuba - tới sinh sống tại quốc đảo này từ 56 năm trước. Bà Perez hy vọng việc hai nước khôi phục quan hệ có thể phần nào giải quyết vấn đề nhà ở tại Cuba, song lo ngại những thay đổi nhanh chóng có thể hủy hoại đất nước "xinh đẹp" mà bà coi là quê hương này.

Trong khi những người như bà Perez hy vọng vào những cơ hội kinh tế mới thì một số người trẻ tuổi, trong đó có Pasha Jackson - một sinh viên y khoa 32 tuổi - lại cho rằng việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Cuba sẽ góp phần cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đảo quốc này. Tuy nhiên, cô cũng tỏ vẻ hoài nghi: "Việc mở cửa lại đại sứ quán có thể thay đổi được gì? Tôi thực sự không biết, song tôi có những hy vọng". Jackson cho rằng cả hai nước cần học hỏi lẫn nhau, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và y tế nói chung.

TTK (Theo AFP/AP)