01:12 17/01/2023

Lịch sử ít ai biết về 'thị trấn muối' Soledar, nơi chứng kiến giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine

Sau khi biển khô cạn cách đây hàng trăm triệu năm, ở Soledar đã xuất hiện một trong những mỏ muối tinh khiết nhất thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Nhưng khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, "thị trấn muối" này lại chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên.

Chú thích ảnh
Đường hầm trong mỏ muối ở Soledar được chiếu đèn tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo. Muối ở đây đã được hình thành từ kiến tạo địa chất 250 triệu năm trước. Ảnh: New voice of Ukraine

Nằm sâu dưới lòng đất là bí mật dẫn đến phần giàu có và ấn tượng nhất của Soledar, thị trấn độc đáo vùng Donetsk, Ukraine. "Vương quốc muối" này là kết quả hình thành từ 250 triệu năm về trước.

Ngày 15/1, quân đội Ukraine thừa nhận đã rút khỏi thị trấn Soledar thuộc vùng Donetsk. Trước đó, hôm 10/1, thủ lĩnh nhóm quân sự tư nhân của Nga Wagner Group, Yevgeny Prigozhin, tuyên bố đã có mặt trong các mỏ muối ở Soledar, kèm theo một video cho thấy ông này cùng các tay súng của mình đang ở trong mỏ ngầm dưới lòng đất. Prigozhin cũng tuyên bố rằng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh đã di chuyển qua khu mỏ.

Những hình ảnh đó đã càng gây thêm sự chú ý về những đường hầm khai thác muối nổi tiếng ở Soledar.

Ngoài ra, tình báo Anh cũng từng thông tin về khả năng sử dụng các mỏ muối trong chiến sự ở Soledar. “Một phần của cuộc giao tranh tập trung ở lối vào các đường hầm khai thác muối bị bỏ hoang dài 200 km chạy bên dưới thị trần”, bài đăng trên tài khoản Twitter của Bộ Quốc phòng Anh hôm 10/1 cho biết. “Cả hai bên đều có thể lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để đối phương xâm nhập vào phí sau chiến tuyến của họ.”

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, Viktoria Skrypnyk, nhà địa chất trưởng của công ty sản xuất muối Artemsil, nói rằng việc sử dụng mỏ cho mục đích quân sự là khó xảy ra, vì các mỏ sâu và hẹp. Để hạ thiết bị khai thác muối xuống đó, chúng phải được tháo rời và sau đó lắp ráp lại, mất rất nhiều thời gian".

Ngoài ra, theo chuyên gia Skrypnyk, rất nguy hiểm khi ở trong hầm mỏ vì hệ thống thông gió đã ngừng hoạt động hoàn toàn và có thể có quá ít oxy.

Kênh truyền hình Current Time TV cũng nhấn mạnh rằng ưu điểm chính của các đường hầm Artemsil là chúng sâu đến mức không lực lượng pháo binh nào có thể tiếp cận được.

Lịch sử các mỏ muối ở Soledar

Nằm sâu dưới lòng đất là bí mật dẫn đến phần giàu có và ấn tượng nhất của Soledar, thị trấn độc đáo vùng Donetsk, Ukraine. Đây là một vùng mỏ khai thác "vàng trắng" của Ukraine.

Vào buổi bình minh của nền văn minh nhân loại, ngành kinh doanh muối đã ra đời vì nhu cầu muối tự nhiên của cơ thể. Tới tận thế kỷ 19, Trung Phi là nơi mà muối và vàng có giá trị ngang nhau. "Vàng trắng" là một dấu hiệu cho thấy sự thịnh vượng ở Ukraine trong thời Trung Cổ. Muối rất thiêng liêng và có giá trị trong những thời kỳ cổ xưa.

Chú thích ảnh
Mỏ muối ở Soledar nằm rất sâu dưới lòng đất. Ảnh: Ritebook

Trong lịch sử kiến tạo, Soledar nằm trên vị trí vịnh nông của biển Permi cổ đại tồn tại ở đó khoảng 250 triệu năm trước. Sau khi biển khô cạn, ở đây xuất hiện một trong những mỏ muối tinh khiết nhất thế giới và lớn nhất ở châu Âu.

Ngày nay, 95% lượng muối do Ukraine khai thác đến từ Artyomovskoye, một mỏ nằm ở khu vực đông nam của Donbas. Hệ thống mỏ ngầm dài nhiều kilomet ở Soledar là kết quả của quá trình khai thác muối. Mặc dù mỏ này không còn được sử dụng nhưng muối vẫn được khai thác từ các bức tường bên ngoài của nó. Đây vốn là Biển Perm khoảng 280 triệu năm trước. Còn bây giờ, đã là "vương quốc muối" nằm sâu 300 mét dưới lòng đất.

Khai thác muối công nghiệp ở Soledar bắt đầu vào năm 1881. Khoảng 250 triệu tấn muối đã được khai thác tại mỏ và trữ lượng đã thăm dò của mỏ là khoảng 5 tỷ tấn. Artemsil sản xuất 94% lượng muối tiêu thụ ở Ukraine, nhưng do giao tranh dữ dội trong khu vực, công ty đã ngừng hoạt động vào tháng 4/2022.

Chú thích ảnh
Các mỏ muối từng đón tiếp nhiều khách du lịch trước khi xung đột xảy ra. Ảnh: Ritebook

Chuyên gia Skrypnyk nhấn mạnh Artemsil là doanh nghiệp muối lớn nhất ở châu Âu, có chất lượng muối rất cao với “hàm lượng natri và clo từ 98,5% trở lên”. Theo bà, địa chất của các lớp muối trong khu vực thuận lợi cho việc khai thác.

Chuyên gia Skrypnyk cũng lưu ý rằng độ dài đường hầm mỏ 200 km là "tổng số khu vực đã được khám phá", trong khi mỏ Artemsil trải rộng trên diện tích khoảng 53 km2.

Khi được hỏi liệu có thể đi vào mỏ muối ở Soledar và đi ra ở Bakhmut hay không, bà Skrypnyk trả lời: "Thành thật mà nói, tôi không thể nói điều đó. Đây không phải là một hệ thống đường ngầm từ thị trấn này sang thị trấn khác. Mỏ có thể có bất kỳ cấu hình nào, nhưng tôi không nghĩ có ai biết liệu có cách nào khác để lên mặt đất từ mỏ này hay không."

Các mỏ muối ở Soledar được sử dụng ra sao

Một số mỏ muối ở Soledar đã trở thành những điểm thu hút khách du lịch và ngay trước cuộc xung đột, các chuyến du ngoạn của du khách đã được tổ chức tại đây.

Vào tháng 6/2021, một tập trong chương trình du lịch nổi tiếng của Ukraine “The World Inside Out” đã được quay tại mỏ muối Soledar. Ngoài hoạt động khai thác muối, tại khu vực còn tọa lạc một nhà thờ dưới lòng đất ngay trong lòng mỏ muối với trần nhà cao 40 mét.

Chú thích ảnh
 Một góc bên trong mỏ muối Soledar. Ảnh: Ritebook

Ngoài ra trong mỏ, ở độ sâu 300 mét, còn có khu nhà điều dưỡng mang tên Salt Symphony, nơi du khách có thể thuê phòng và ở lại. Các điều kiện môi trường mặn được cho là lý tưởng cho sức khỏe.

Trong quá khứ, các dàn nhạc giao hưởng đã từng biểu diễn và triển lãm nghệ thuật được tổ chức tại các mỏ muối Soledar. Năm 2004, lễ hội âm nhạc cổ điển Salt Symphony được tổ chức tại một hội trường dưới lòng đất với sự tham gia của Nghệ sĩ Nhân dân Ukraine, nghệ sĩ độc tấu của Nhà hát Opera Vienna Victoria Lukyanets và Dàn nhạc Giao hưởng Donbas từ Luhansk dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng người Áo Kurt Schmid. Hội trường này có sức chứa 250 thính giả, mỗi người trả từ 580 đến 2.000 euro cho một vé tham dự.

Chú thích ảnh
Du khách chụp ảnh với bức phù điêu trong mỏ muối Soledar. Ảnh: Ritebook

Chuyến bay khinh khí cầu có người lái dưới lòng đất đầu tiên trong lịch sử cũng diễn ra tại đây, và đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness.

Thu Hằng/Báo Tin tức