06:00 11/06/2018

Lịch sử đàm phán Mỹ-Triều (Kỳ 2): Bế tắc Đàm phán sáu bên

Sau khi Thỏa thuận khung giữa Mỹ và Triều Tiên sụp đổ, chính quyền Mỹ kế tiếp của Tổng thống George W. Bush đã đưa Mỹ vào một cuộc đàm phán mới với Triều Tiên năm 2003. Lần này là đàm phán 6 bên, trong đó ngoài Mỹ và Triều Tiên còn có Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc.

Mục đích các bên

Khởi động từ năm 2003, Đàm phán sáu bên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên thông qua thương lượng hòa bình. Mỗi bên tham gia đều có mục đích khác nhau.

Đại diện các bên trước thềm vòng đàm phán sáu bên năm 2006. Ảnh: Reuters

Với Mỹ, Đàm phán sáu bên là nơi để dàn xếp đa phương về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Mối quan ngại chính của Mỹ vẫn là chương trình hạt nhân Triều Tiên và khả năng Bình Nhưỡng bán công nghệ, nhiên liệu hạt nhân cho các quốc gia thù địch. Là một bên đàm phán, Mỹ muốn Triều Tiên cho phép IAEA giám sát.

Về phần mình, Triều Tiên muốn đảm bảo Mỹ không gây hấn. Ý muốn này xuất phát từ thực tế Mỹ bố trí 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc và duy trì hiện diện hải quân dày đặc ở Thái Bình Dương. Triều Tiên cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ và được hỗ trợ kinh tế từ các quốc gia tham gia đàm phán.

Trong khi đó, mục tiêu cuối cùng của Hàn Quốc là phi hạt nhân hóa và tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên, đồng thời muốn giải phóng nền kinh tế Triều Tiên nhằm giảm bớt chi phí tái thống nhất trong tương lai.

Vốn được coi là đồng minh lâu dài của Triều Tiên, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng để đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán. Mặc dù bước đi này giúp tăng cường quan hệ với Mỹ nhưng Trung Quốc cũng lo ngại tình trạng người tị nạn tràn qua biên giới nếu xảy ra "biến cố" trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, quan điểm của Nga khi tham gia đàm phán là tái khẳng định ảnh hưởng ở Đông Bắc Á. Với Nhật Bản, vốn sợ tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới lãnh thổ, nước này còn coi Đàm phán sáu bên là diễn đàn để giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970-1980.

6 bên, 6 vòng đàm phán

Có tất cả 6 vòng đàm phán đã diễn ra từ năm 2003 tới năm 2008. Trong quá trình đàm phán, Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân, tham gia lại hiệp ước NPT và cho phép giám sát viên IAEA trở lại để đổi lấy viện trợ năng lượng và lương thực. Thỏa thuận dọn đường cho Triều Tiên bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời đàm phán về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, đàm phán vấp phải trở ngại khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt hạn chế với ngân hàng Banco Delta Asia có trụ sở ở Ma Cao, Trung Quốc, vì nghi ngân hàng này rửa tiền cho Triều Tiên. Chính quyền Ma Cao sau đó đóng băng gần 50 tài khoản của Triều Tiên. Khi đàm phán tan vỡ, Triều Tiên tăng cường các hoạt động thử tên lửa tầm xa và thực hiện vụ nổ hạt nhân ngầm đầu tiên trong nửa sau năm 2006.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hạt nhân. Ảnh: KCNA

Trước tình hình đó, Trung Quốc hối thúc Triều Tiên tham gia lại Đàm phán sáu bên. Trong vòng đàm phán thứ 6 hồi tháng 2/2007, các thành viên đạt được một kế hoạch phi hạt nhân hóa, trong đó có hạn chót cho Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và giải ngân tiền ở Banco Delta Asia.

Tiến trình có thêm động lực cuối năm 2007 khi Triều Tiên vô hiệu hóa nhà máy Yongbyon, dỡ bỏ hàng nghìn thanh nhiên liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Mỹ. Tiến triển tiếp tục kéo dài tới giữa năm 2008 sau khi Bình Nhưỡng nhượng bộ thêm, cung chấp cho Mỹ chi tiết về chương trình hạt nhân và tháo dỡ thêm cơ sở Yongbyon. Đáp lại, chính quyền của ông Bush giảm nhẹ trừng phạt và đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

Tuy nhiên, Triều Tiên không nhất trí với cơ chế xác minh chương trình hạt nhân khi ông Bush sắp hết nhiệm kỳ, khiến quan hệ Mỹ-Triều căng thẳng. Cuối năm 2008, Triều Tiên đã khởi động lại chương trình hạt nhân, cấm thanh sát viên hạt nhân nhằm gây sức ép với các nhà đàm phán Mỹ. Đàm phán sáu bên rơi vào bế tắc.

Khi ông Barack Obama lên nắm quyền, Mỹ bắn tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng lại thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa và một vụ thử hạt nhân tháng 5/2009, khiến Mỹ phải kêu gọi trừng phạt mạnh tay hơn.

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang suốt năm 2010 khi xảy ra vụ đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc và vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong ở Hàn Quốc.

Tháng 7 và 10/2011, Mỹ và Triều Tiên đàm phán song phương, trong đó Triều Tiên cho biết chỉ quay trở lại Đàm phán sáu bên nếu không có điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc lại đòi Triều Tiên thể hiện cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi nối lại đàm phán.

Tháng 2/2012, Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un đã đồng ý ngừng thử hạt nhân, cho phép IAEA quay trở lại giám sát hoạt động tại Yongbyon. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi vào tháng 12 khi Triều Tiên thử tên lửa tầm xa mà nhiều người coi là sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Sự việc khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu áp đặt trừng phạt nước này.

Đáp lại, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba mạnh nhất từ trước tới nay và bị các bên tham gia Đàm phán sáu bên chỉ trích. Một vòng trừng phạt mới đã được thông qua hồi tháng 3/2013, áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh vào Triều Tiên. Chỉ trước đó vài giờ, Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng nghị quyết trừng phạt Triều Tiên có một “điều khoản lối thoát”, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ Đàm phán sáu bên và kêu gọi nối lại đàm phán.

Năm 2013, Trung Quốc thổi làn gió mới vào tiến trình Đàm phán sáu bên khi tổ chức lễ kỷ niệm đánh dấu 10 năm khởi động đàm phán dù lễ kỷ niệm bị Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tẩy chay. Tại buổi lễ, phía Triều Tiên kêu gọi nối lại đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.

Không riêng gì Triều Tiên, các bên tham gia đều kêu gọi nối lại Đàm phán sáu bên kể từ vòng đàm phán thứ sáu. Gần đây nhất, ngày 7/3/2018, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi nối lại đàm phán.

Theo các chuyên gia, Đàm phán sáu bên hầu như không làm được gì trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Triều Tiên vẫn liên tiếp thử tên lửa và đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 ngày 3/9/2017.

Kỳ cuối: Quan hệ Mỹ-Triều thời Tổng thống Trump

Thùy Dương/Báo Tin tức