03:18 25/03/2020

Libya xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên

Ngày 25/3, Libya đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Ông Badreddine al-Najar, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (NCDC) của Libya cho biết bệnh nhân này trở về Libya từ Saudi Arabia sau khi quá cảnh tại Tunisia cách đây 1 tuần. Các biện pháp cần thiết đã được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân này.

* Ngày 25/3, Bộ Y tế Nam Phi ghi nhận 709 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 155 ca so với ngày trước đó, trong bối cảnh chỉ còn 1 ngày nữa nước này bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trạm xét nghiệm lưu động ở Johannesburg, Nam Phi ngày 19/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong thông báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cho biết đây là số ca nhiễm mới kỷ lục kể từ khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên hôm 5/3 và nhấn mạnh "đây mới chỉ là bước khởi đầu"’ của đại dịch. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong do COVID-19 nhưng Nam Phi hiện có 2 ca đang trong tình trạng nguy kịch. 

Liên quan đến lệnh phong tỏa toàn quốc chuẩn bị có hiệu lực từ 24h ngày 26/3 đến 24h ngày 16/4, Bộ trưởng Mkhize khuyến cáo người dân không rời chỗ ở hiện tại để về quê trong thời gian trước và trong giai đoạn phong tỏa. Bên cạnh đó, ông hoan nghênh các chức sắc tôn giáo đã thực hiện việc hoãn các buổi hành lễ tại nhà thờ. Trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men và đi nhận tiền trợ cấp.

Bộ quốc phòng nước này đã triển khai quân hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát nhằm tăng cường việc thực thi một cách hiệu quả lệnh phong tỏa cũng như đảm bảo an ninh trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ Nam Phi cũng thành lập các đội y tế cơ sở để mở rộng diện theo dõi và tiến hành việc xét nghiệm đến từng nhà tại các khu vực có mật độ dân cư cao. 

Trước đó, hôm 15/3, Tổng thống Nam Phi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia do bùng phát dịch COVID-19 và ngay lập tức áp dụng lệnh cấm nhập cảnh toàn bộ những người đến từ các quốc gia có dịch, cấm các sự kiện có sự tham dự của trên 100 người và đóng cửa tất các các cơ sở giáo dục từ ngày 18/3.

* Thủ tướng Fiji Voreqe Bainimarama ngày 25/3 cho biết nước này đã xác định trường hợp thứ 5 nhiễm bệnh. Ca bệnh mới này, 31 tuổi, có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đầu tiên là tiếp viên hàng không, 27 tuổi, được phát hiện nhiễm virus corona hồi tuần trước. Sau khi phát hiện tiếp viên hàng không nhiễm bệnh, nhà chức trách Fiji đã tiến hành các biện pháp cách ly kịp thời những người có tiếp xúc với bệnh nhân này bao gồm cả ca bệnh số 5 nói trên. 

Thủ tướng Bainimarama kêu gọi người dân duy trì cảnh giác vì độ tuổi trung bình của các ca nhiễm bệnh chỉ tầm 27 tuổi, đồng thời cảnh báo bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh. Thủ tướng cũng thông báo từ ngày 26/3, sân bay quốc tế Nadi sẽ tạm thời đình chỉ các chuyến bay trong nước và ngừng các chuyến bay bên ngoài quốc đảo này từ ngày 29/3 tới.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Fiji đã áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt bao gồm phong tỏa thành phố Lautoka nơi có 4 ca nhiễm bệnh. Dự kiến, Chính phủ Fiji sẽ công bố khoản ngân sách bổ sung nhằm đối phó với tác động của dịch bệnh.

Trần Quyên - Phi Hùng (TTXVN)