07:16 30/07/2014

Libya: Phiến quân chiếm căn cứ quân sự tại Benghazi

Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, các tay súng Hồi giáo đã chiếm được căn cứ quân sự của lực lượng đặc biệt quân đội Libya ở thành phố Benghazi, miền Đông nước này.

Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, các tay súng Hồi giáo đã chiếm được căn cứ quân sự của lực lượng đặc biệt quân đội Libya ở thành phố Benghazi, miền Đông nước này.

Trong một tuyên bố ngày 29/7, một liên minh Hồi giáo và thánh chiến cho biết đã giành quyền kiểm soát căn cứ quân sự chính ở Đông Nam Benghazi, trong đó có một doanh trại ở quận Bu Attni và một trường huấn luyện của lực lượng đặc biệt.

Một quan chức quân đội đã xác nhận thông tin trên và cho biết quân chính phủ buộc phải rút khỏi căn cứ quân sự sau các đợt tấn công liên tiếp của các tay súng Hồi giáo tại Benghazi, trong đó có các phần tử thuộc nhóm Ansar al-Sharia bị Mỹ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Theo các nguồn tin y tế, giao tranh trong tuần qua tại Benghazi đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng.

Trước tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Libya, nhiều nước đã sơ tán các nhân viên ngoại giao, đóng cửa đại sứ quán ở nước này. Ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Canada thông báo tạm thời rút toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Tripoli nhằm đảm bảo an toàn cho phái bộ ngoại giao nước này. Theo bộ trên, Đại sứ và các nhân viên ngoại giao Canada sẽ tạm thời làm việc tại đại sứ quán nước này ở Tunisia cho tới khi có các biện pháp ứng phó với các diễn biến tại Libya.

Khói bốc lên trong vụ cháy kho chứa dầu gần sân bay Tripoli ngày 29/7. Ảnh: THX-TTXVN


Trước đó, Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Bulgaria đã quyết định đưa công dân ra khỏi Libya hoặc đóng cửa đại sứ quán. Tây Ban Nha đã điều một máy bay quân sự sơ tán 60 công dân nước này khỏi Tripoli và chỉ duy trì một số nhân viên ngoại giao cần thiết ở Libya.

Giao tranh căng thẳng tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, và xung đột giữa các nhóm vũ trang đối địch tại thủ đô Tripoli trong hai tuần qua đã đẩy quốc gia Bắc Phi này lâm vào tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ hồi năm 2011.


TTXVN/ Tin tức