01:10 12/01/2020

Libya: GNA nêu điều kiện tham gia lệnh ngừng bắn

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 11/1, Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Libya Fayez al-Sarraj cho biết điều kiện tiên quyết để thực thi một lệnh ngừng bắn tại quốc gia này là lực lượng miền Đông phải rút khỏi thủ đô Tripoli.

Chú thích ảnh
Các lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận trong cuộc giao tranh với các lực lượng miền Đông trung thành với Tướng Khalifa Haftar tại khu vực phía Nam thủ đô Tripoli. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu sau hội đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tại Rome, ông al-Sarraj khẳng định sự ủng hộ và hoan nghênh đối với sáng kiến chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về một thoả thuận ngừng bắn. Về phần mình, Thủ tướng Conte nêu rõ Italy sẽ hỗ trợ để giúp Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò lớn hơn vào các nỗ lực giảm căng thẳng tại quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, các lực lượng miền Đông Libya do Tướng Khalifa Hafta lãnh đạo đã tuyên bố ngừng bắn kể từ 0h00 ngày 12/1 (giờ địa phương, tức 5h00 sáng cùng ngày giờ Hà Nội) theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các lực lượng của Tướng Hafta cảnh báo họ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu có trường hợp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của phe đối lập.

Các nước châu Âu và Bắc Phi đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để cố gắng ngăn Libya trở thành "Syria thứ hai". Trong bối cảnh xung đột tại Libya có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, ngày 9/1 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm tại Istanbul. Tại hội đàm, hai bên đã kêu gọi các bên liên quan thực thi một lệnh ngừng bắn, đồng thời ủng hộ những biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình thực địa ở quốc gia Bắc Phi này.    

Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do Thủ tướng Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Từ đầu tháng 4/2019, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.

Lê Quang Trường (TTXVN)