10:23 26/10/2011

Libi: Tiếng súng vừa im, “vàng đen” lại "nóng"

Ngày 23/10, các nhà lãnh đạo Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn đất nước, kết thúc 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moamer Kadhafi và chấm dứt cuộc giao tranh đẫm máu vừa qua ở Libi.

Ngày 23/10, các nhà lãnh đạo Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn đất nước, kết thúc 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moamer Kadhafi và chấm dứt cuộc giao tranh đẫm máu vừa qua ở Libi. Trong cuộc chiến này, người ta cho rằng dầu mỏ là căn nguyên chính của mọi vấn đề và trong công cuộc tái thiết đất nước, việc khôi phục sản xuất “vàng đen” sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới.

Dầu mỏ - ngòi nổ cho cuộc chiến Libi

Trước khi cuộc chiến bùng phát vào tháng 2/2011, Libi có sản lượng dầu thô 1,6 triệu thùng/ngày và là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư ở châu Phi. Dầu mỏ chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu và 75% ngân sách của Libi; với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi (khoảng 46,5 tỷ thùng), Libi có thể tiếp tục khai thác trong vòng 80 năm nữa.

Ảnh: AFP-TTXVN


Có thể nói dầu mỏ là con dao hai lưỡi đối với Libi, khi vừa là một nguồn thu quan trọng đối với đất nước, vừa là mối hiểm nguy đe dọa sự ổn định về an ninh, chính trị của quốc gia. Dầu mỏ là lá bài để Libi tạo dựng các mối quan hệ hữu nghị, giải quyết các vấn đề tình thế với phương Tây, song cũng chính nó là tiền đề cho cuộc không kích của liên quân NATO vào nước này.

Các nước tham gia liên quân đều muốn có vị trí và vai trò ở một nước Libi thời hậu Kadhafi. Ông Kadhafi từng nói đến việc một số nước phương Tây thèm muốn và nhòm ngó dầu mỏ của Libi, và tuyên bố trước cuộc chiến rằng ông sẽ không để cho Pháp và Anh chiếm đoạt dầu mỏ của nước mình. Theo nhà phân tích Kharroubi Habib, các nước phương Tây dù có tranh cãi đến mức nào thì rốt cuộc họ vẫn được hưởng lợi nhiều nhất về tài chính và các phương diện khác ở Libi.

Cuộc chiến Libi - yếu tố chi phối giá dầu

Trong những tháng xảy ra chiến sự tại Libi, diễn biến của cuộc chiến là một trong những nhân tố gây nên sự trồi sụt của giá dầu trên thị trường thế giới. Giá dầu tăng cao khi tình hình chiến sự leo thang và có phần lắng dịu khi có những thông tin tích cực từ cuộc chiến này.

Trong phiên giao dịch gần đây vào ngày 20/10, giá dầu đã có những biến động không đồng nhất ngay sau khi có thông tin ông Kadhafi đã chết. Có những đồn đoán cho rằng cái chết của ông Kadhafi có thể sẽ khiến hoạt động khai thác dầu ở Libi tăng tốc trở lại, nguồn cung có thể được cải thiện. Mặc dù cái chết của ông Kadhafi chỉ có tác động rất nhỏ tới giá dầu hiện tại, song đã giúp loại bỏ một trong các nhân tố rủi ro đối với hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Libi, giúp thị trường dầu thế giới ổn định hơn.

Trước khủng hoảng chính trị, Libi xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, trong đó phần lớn xuất sang châu Âu. Lượng dầu xuất khẩu của Libi đã bị giảm sút mạnh khi xung đột xảy ra, khiến loại dầu Brent trở nên "nhạy cảm" hơn dầu ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường Mỹ.

Hai năm để khôi phục sản lượng

Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Libi, Shukri Ghanem, nhận định quốc gia Bắc Phi này sẽ phải mất 2 năm để khôi phục sản lượng dầu mỏ về mức trước khi xảy ra xung đột. Libi có thể sản xuất 400.000 thùng dầu/ngày vào cuối năm nay, song số dầu này chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu nội địa. Còn theo Reuters, phải mất một năm nữa Libi mới có thể đưa sản lượng dầu mỏ về mức 1 triệu thùng/ngày, và có thể đạt mức trước nội chiến trong 2 năm tới.

Thúc đẩy trở lại các hoạt động của ngành dầu mỏ là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tripôli sắp tới và tương tự như những gì đã diễn ra tại Irắc, Libi cũng sẽ cần đến các công ty nước ngoài để xây dựng lại các giàn khoan, các nhà máy lọc dầu, các đường ống dẫn dầu để đưa “vàng đen” của Libi ra thế giới bên ngoài. Ngành dầu mỏ Libi cũng phải cần đến kỹ thuật và nhân lực của quốc tế. Libi sẽ cần khoản đầu tư ước khoảng 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để xây dựng hạ tầng cơ sở bền vững.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng bị phá hủy, ngành dầu mỏ Libi còn phải đối mặt với vấn đề nhân công. Ông Samuel Ciszuk, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu IHS, nhấn mạnh trước đây, Libi phụ thuộc lớn vào hàng chục nghìn nhân công nước ngoài phần lớn từ các nước Arập láng giềng, Nam Á và Trung Quốc. Để họ quay trở lại Libi sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó là những nhân công Libi đã nhiều lần biểu tình từ cuối tháng 9 năm ngoái nhằm yêu cầu lãnh đạo ngành dầu mỏ bị cho là thân với chế độ cũ phải từ chức.

Một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ mới là làm thế nào để bảo vệ ngành dầu mỏ của nước này, khi “miếng bánh” dầu mỏ được mang ra chia. Chính quyền mới của Libi sẽ không tránh khỏi đau đầu trong việc “trả công” những quốc gia đã “tích cực” tham gia cuộc chiến. Và hẳn sẽ khó có thể thỏa mãn và làm hài lòng tất cả. Cuộc chiến đã hạ màn, nhưng xem ra điều đó chưa thể ngay lập tức mang lại sự ổn định và thịnh vượng như mong muốn của người dân quốc gia Bắc Phi này.

TKT