02:09 28/02/2011

LiBi: Lực lượng chống chính phủ tiến sát thủ đô

Tình hình tại Libi ngày 27/2 đã trở nên tồi tệ hơn giữa bối cảnh tiếng súng nổ dữ dội, tình trạng cướp bóc và thiếu hụt lương thực trầm trọng diễn ra tại thủ đô Tripôli cùng nhiều thành phố lớn khác trong cả nước, khiến hàng chục nghìn người dân phải chạy loạn và các đại sứ quán...

Tình hình tại Libi ngày 27/2 đã trở nên tồi tệ hơn giữa bối cảnh tiếng súng nổ dữ dội, tình trạng cướp bóc và thiếu hụt lương thực trầm trọng diễn ra tại thủ đô Tripôli cùng nhiều thành phố lớn khác trong cả nước, khiến hàng chục nghìn người dân phải chạy loạn và các đại sứ quán nước ngoài phải đóng cửa.

Một chiếc phà chở 1.749 người Philíppin, Trung Quốc, Marốc, Thái Lan, Việt Nam, Braxin và Hy Lạp rời Libi, cập cảng La Valetta của Manta ngày 27/2. Ảnh: AFP – TTXVN


Các hãng tin nước ngoài dẫn nguồn tin địa phương cho biết, ngày 27/2, lực lượng chống chính phủ đã giành được quyền kiểm soát Zawiya - thành phố nằm gần thủ đô nhất, chỉ cách Tripôli khoảng 50 km về phía tây, trong khi quân của Tổng thống Moamer Gadhafi chỉ còn kiểm soát một số khu vực miền tây và vài thành lũy ở miền nam.

Cùng ngày, các lãnh đạo biểu tình đã tuyên bố thành lập “Hội đồng quốc gia” tại các thành phố mà người biểu tình chiếm được và coi đây là “bộ mặt của Libi trong giai đoạn quá độ”. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Libi Mustafa Abdel Jalil cũng tuyên bố thành lập chính phủ chuyển tiếp, lãnh đạo đất nước trong ba tháng để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử. Trong khi đó, con trai của ông Gadhafi là Seif al-Islam cảnh báo, cuộc khủng hoảng trong nước đã “mở cửa cho một cuộc nội chiến”.

Trước tình hình này, lãnh đạo nhiều nước phương Tây như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Anh William Hague, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini… ngày 27/2 đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Gadhafi từ chức. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Libi Musa Kusa, nói rằng Mátxcơva lên án việc sử dụng vũ lực của Libi chống lại dân thường. Ông Lavrov nhấn mạnh: Nga và toàn thể cộng đồng quốc tế cực lực lên án những hành động như vậy. Libi phải tôn trọng nhân quyền và đảm bảo an ninh cho cả người dân Libi và người nước ngoài ở nước này. Phát biểu trên là bình luận mạnh mẽ nhất của Mátxcơva về chính quyền của nhà lãnh đạo Libi Gadhafi tính tới thời điểm này.

Trước diễn biến ngày càng xấu đi tại Libi, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Libi, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với Tổng thống Gadhafi cùng các thành viên trong gia đình và những người thân cận của ông. Nghị quyết của LHQ còn yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Hay điều tra và có thể truy tố những người chịu trách nhiệm về việc người biểu tình thiệt mạng ở Libi. Theo báo cáo của LHQ, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong đợt bạo lực vừa qua tại quốc gia này.

Cùng ngày, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự đồng thuận về việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí, phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với nhiều quan chức của Libi. Đây là một phần trong một loạt các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm gây sức ép với chính quyền Tripôli để giải quyết tình trạng bạo lực đang leo thang tại nước này.

Chương trình lương thực thế giới (WFP) của LHQ cảnh báo, hệ thống cung cấp lương thực của Libi có “nguy cơ sụp đổ”, do hàng nhập khẩu không tới được các cảng và việc phân phối lương thực trên cả nước đang gặp trở ngại do tình trạng bạo lực rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, dòng người chạy nạn mắc kẹt tại Libi đang ngày một đông, gây khó khăn lớn cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng như khả năng cung cấp lương thực.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Biểu tình lan tới Crôatia

Ngày 27/2, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tại Trung Đông và Bắc Phi đã lan tới Crôatia – quốc gia ở Đông Nam Âu. Theo hãng AP (Mỹ), khoảng 15.000 người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Dagrép khi lực lượng an ninh lập hàng rào ngăn những người biểu tình tiến về quảng trường trung tâm thành phố, nơi đặt trụ sở các cơ quan của chính phủ. Những người biểu tình đã ném gạch đá vào cảnh sát, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Đã có ít nhất 25 người (12 cảnh sát và 13 dân thường) bị thương trong các cuộc đụng độ và 60 người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ. Trước tình hình trên, Thủ tướng Crôatia Jadranka Kosor đã yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình, đồng thời cảnh báo sự mất ổn định có thể phá hoại những nỗ lực gia nhập EU của nước này. Trong khi đó, tình hình tại các nước Trung Đông và Bắc Phi khác hiện cũng chưa khả quan hơn. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình tiếp tục gia tăng ở Yêmen, Ai Cập, Gioócđani, Tuynidi và Angiêri. Thủ tướng Tuynidi Mohammed Ghannouchi ngày 27/2 đã tuyên bố từ chức trong bối cảnh người biểu tình đòi cách chức một số bộ trưởng của chính phủ lâm thời.