08:11 31/08/2014

LHQ yêu cầu trả tự do cho các nhân viên gìn giữ hòa bình

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ và yêu cầu phiến quân Hồi giáo trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện các nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ hiện đang bị giam giữ.

Ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ và yêu cầu phiến quân Hồi giáo trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện các nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ hiện đang bị giam giữ.

Đoàn xe của Liên hợp quốc. Ảnh: skynews


Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhóm phiến quân Mặt trận Al Nursa tiến hành một loạt các cuộc tấn công dữ dội nhằm vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) hiện đang kiểm soát đường ranh giới đình chiến (UNDOF) tại Cao nguyên Golan, bắt giữ 44 binh sĩ UNDOF đến từ Fiji và bao vây 40 binh sĩ Philippines.

Trước đó, ngày 28/8, giao tranh đã nổ ra khi nhóm phiến quân Mặt trận Al Nursa tấn công dữ dội các cơ sở đồn trú của UNDOF tại Cao nguyên Golan, bắt giữ và bao vây các nhân viên UNDOF nhằm đòi các binh sĩ lực lượng này đầu hàng và giao nộp vũ khí. Tại chốt 68, nơi đóng sở chỉ huy UNDOF, thuộc tỉnh Qunaitera, miền nam Syria, giáp ranh với Cao nguyên Golan, phiến quân Hồi giáo vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các binh sĩ Philippines đóng tại vị trí này.

Trong thông báo mới nhất liên quan đến vụ giao tranh tại chốt 68, người phát ngôn quân đội Philippines, Trung tá Ramon Zagala cho biết toàn bộ 75 binh sĩ Philippines trong UNDOF vẫn an toàn. Theo nguồn tin trên, nhóm đầu tiên gồm 35 binh sĩ Philippines đã được xe bọc thép của LHQ đưa ra khỏi chốt 68 ngày 30/8. Các binh sĩ còn lại tiếp tục chống trả các phiến quân và sau đó di chuyển an toàn đến căn cứ Ziouani nằm trong vùng kiểm soát của LHQ.

UNDOF có nhiệm vụ giám sát thỏa thuận 1974 giữa Syria với Israel sau khi kết thúc cuộc chiến năm 1973. Tính đến ngày 31/7, có 1.223 binh sĩ của sáu nước gồm Philippines, Fiji, Ấn Độ, Ireland, Nepal và Hà Lan phục vụ trong lực lượng UNDOF. Hồi tháng Sáu, LHQ đã kéo dài thời hạn hoạt động của UNDOF thêm sáu tháng, đến ngày 31/12/2014.

Trong một diễn biến khác, để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng nhằm vào nhân viên cứu trợ nhân đạo, ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết yêu cầu quy trách nhiệm đối với các vụ tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ và thúc giục các bên liên quan trong các cuộc xung đột cho phép tiếp cận không hạn chế những người cần được cứu trợ.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Đại sứ Anh Mark Lyall Grant, nước giữ Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 8, cho biết việc HĐBA LHQ đồng thuận thông qua nghị quyết cho thấy sự thống nhất giữa các thành viên đối với vấn đề tối quan trọng này nhằm bảo vệ những người đang thực hiện các công việc cứu mạng sống con người.

Trong nội dung nghị quyết, HĐBA đã mạnh mẽ lên án mọi hình thức bạo lực hoặc đe dọa đối với những người đang tham gia các chiến dịch cứu trợ nhân đạo; lên án các vụ tấn công nhằm vào phái đoàn nhân đạo, các hành động phá hủy tài sản, phương tiện của họ. Nghị quyết cũng thúc giục các bên liên quan trong một cuộc xung đột cho phép các lực lượng cứu trợ nhân đạo "tiếp cận đầy đủ, không giới hạn" những người cần giúp đỡ, đồng thời thúc giục các nước thành viên phải đảm bảo rằng mọi hành động phạm tội chống lại lực lượng cứu trợ nhân đạo cần phải được xử lý.

Nghị quyết được HĐBA thông qua vào thời điểm số nhân viên cứu trợ bị giết, bắt cóc và bị thương nặng tại những điểm nóng trên toàn cầu đã lên mức kỷ lục. Theo số liệu thống kê công bố ngày 19/8 của nhóm cố vấn "Tác động Nhân đạo" có trụ sở tại Anh, trong năm ngoái, trên toàn thế giới có tổng cộng 155 nhân viên cứu trợ bị giết hại, 171 người bị thương nghiêm trọng và 134 người bị bắt cóc. Con số này tăng 66% so với năm 2012.


TTXVN/Tin tức