05:10 19/05/2025

LHQ và Libya thành lập Ủy ban ngừng bắn chung

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) ngày 18/5 thông báo về việc thành lập một Ủy ban ngừng bắn chung với Hội đồng Tổng thống Libya. Động thái này nhằm mục đích hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình bền vững tại thủ đô Tripoli, nơi vừa trải qua các vụ đụng độ vũ trang nghiêm trọng trong tuần qua.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Libya gác tại thành phố Zawiya, ngày 5/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố của UNSMIL nêu rõ ủy ban ngừng bắn này sẽ do Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Libya Mohammed Al-Haddad đứng đầu. Nhiệm vụ chính của ủy ban là điều phối các biện pháp an ninh ở Tripoli, bảo vệ dân thường và tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. UNSMIL nhấn mạnh rằng các bên liên quan đã thể hiện cam kết tránh leo thang tình hình và sẵn sàng đối thoại vì lợi ích quốc gia.

Quyết định thành lập ủy ban được đưa ra sau các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra ở nhiều khu vực của Tripoli, giữa lực lượng trung thành với Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) Abdul-Hamed Dbeibah và Nhóm Hỗ trợ ổn định (SSA) – một lực lượng vũ trang có liên hệ với Hội đồng Tổng thống Libya. Theo nguồn tin an ninh địa phương, ít nhất 6 người đã thiệt mạng trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 14/5.

UNSMIL cũng nhắc lại sự lo ngại sâu sắc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về những thương vong dân sự do bạo lực gây ra. Đồng thời, UNSMIL kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và lâu dài, cũng như tiếp tục đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh tại Libya.

Kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn, dẫn đến việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya rơi vào tình trạng chia rẽ quyền lực với hai chính quyền đối lập. Một bên là GNU, được LHQ công nhận và kiểm soát miền Tây Libya với trung tâm là Tripoli. Bên còn lại là chính phủ miền Đông, nhận được sự hậu thuẫn từ Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy.

Trong khu vực do GNU kiểm soát, các lực lượng dân quân và nhóm vũ trang vẫn hoạt động mạnh mẽ, cạnh tranh ảnh hưởng và kiểm soát các nguồn lực. Mặc dù đã có nhiều lời kêu gọi giải trừ vũ khí và thống nhất các lực lượng an ninh, nhưng những nỗ lực này vẫn gặp nhiều khó khăn do sự thiếu tin tưởng và cạnh tranh lợi ích giữa các phe phái.

Trung Khánh (TTXVN)