04:13 08/04/2021

LHQ kêu gọi bảo đảm người tị nạn được tiếp cận công bằng vaccine

Nhân Ngày Y tế thế giới (7/4), Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và cùng hành động nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine COVID-19 của những người tị nạn, cũng như cho những người bị cưỡng bức phải di dời và người không có quốc tịch.

Chú thích ảnh
Phụ nữ và trẻ em Syria tại trại tị nạn al-Hol ở tỉnh Hasakeh, miền Đông Bắc Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), trong thông cáo báo chí ra cùng ngày, UNHCR  khẳng định lấy làm tiếc trước thực tế bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine COVID-19 và năng lực hạn chế của hệ thống y tế có thể ảnh hưởng đến việc tiêm chủng của người tị nạn, ngay cả khi 153 quốc gia đưa người tị nạn vào chương trình tiêm chủng của họ. Cao ủy UNHCR Filippo Grandi cho rằng sự bất bình đằng thể hiện qua việc chia sẻ vaccine COVID-19 giữa các quốc gia là "gây phản tác dụng và thiển cận".

UNHCR cho biết chỉ có tại 20 quốc gia, người tị nạn đã được tiêm vaccine COVID-19 như công dân của nước sở tại, trong đó có Serbia, Nepal, Rwanda và Jordan. Các quốc gia này, cùng với nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác, tiếp nhận 85% người tị nạn trên thế giới.

* Trong khi đó, "hộ chiếu vaccine" đang là vấn đề được quan tâm tại Canada khi các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp và người sử dụng lao động đang cân nhắc nên hay không nên yêu cầu khách hàng và người lao động chứng minh đã tiêm vaccine phòng COVID-19

Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn kết quả cuộc thăm dò trực tuyến của công ty nghiên cứu thị trường Leger cho biết ý tưởng "hộ chiếu vaccine" có thể gây chia rẽ tại khu vực biên giới Mỹ - Canada. Có tới 52% số người Canada được hỏi ủng hộ việc xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 để tham gia các sự kiện hoặc đi đến một địa điểm khác. Trong khi đó, tỷ lệ này với người Mỹ là 43%. Với quan điểm phản đối, tại Canada có 33% và Mỹ là 36%.

Ông Matthew Mitchell, Giáo sư chiến lược và kinh doanh quốc tế tại Đại học Drake ở Des Moines, bang Iowa, cho biết ngày nay, nhiều người Mỹ có xu hướng phản đối bất cứ điều gì mà họ coi là mối đe dọa đối với tự do.

Trong khi đó, chính quyền Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada - đang xem xét kế hoạch cấp chứng chỉ tiêm chủng kỹ thuật số cho những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Những ý kiến chỉ trích cho rằng ý tưởng này đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư và có nguy cơ kéo theo sự phân biệt đối xử đối với những người chưa được tiêm vaccine.

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Nhà Trắng ưu tiên bảo vệ “các quyền và sự riêng tư của người dân Mỹ". Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại tỏ ra ủng hộ ý tưởng về "giấy thông hành" liên quan đến vaccine. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác ở Mỹ và các nước để đảm bảo rằng điều này được thực hiện đúng cách. Chúng tôi đã thấy tầm quan trọng của việc chứng minh tiêm chủng đối với hoạt động đi lại quốc tế....trong giai đoạn trước đại dịch".

Tính đến ngày 7/4, đã có 6.991.028 liều vaccine đã được tiêm cho người dân Canada, trong đó 746.129 người đã được tiêm phòng đủ liều, tương đương khoảng 2% dân số ở quốc gia Bắc Mỹ này.

Hương Giang - Hữu Thanh (TTXVN)