06:09 04/06/2011

LHQ: Đồng USD có nguy cơ sụp đổ

Báo cáo mới đây của LHQ cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với “nguy cơ sụp đổ của đồng USD”, kèm theo nhiều mối nguy hiểm do giá hàng hóa tăng, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục cao và nguy cơ vỡ nợ chủ quyền.

Báo cáo mới đây của LHQ cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với “nguy cơ sụp đổ của đồng USD”, kèm theo nhiều mối nguy hiểm do giá hàng hóa tăng, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục cao và nguy cơ vỡ nợ chủ quyền.

Theo báo cáo này, tình trạng mất giá của đồng USD kể từ khi bước vào thiên niên kỷ mới báo hiệu khả năng mất ổn định và khủng hoảng lòng tin đối với đồng tiền dự trữ của thế giới. Trong 10 năm qua, đồng USD mất giá 27% so với các đồng tiền khác, mặc dù tiến trình này bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng từ giữa năm 2009, đồng USD mất 23% giá trị và thậm chí thấp hơn mức trước khi khủng hoảng. Thực tế hiện nay đồng USD đang ở mức thấp nhất kể từ thập kỷ 1970.

Báo cáo của LHQ yêu cầu các tổ chức tài chính cải cách hơn nữa hệ thống dự trữ toàn cầu nhằm giảm bớt sự lệ thuộc đồng USD như đồng tiền dự trữ quan trọng, kể cả thúc đẩy vai trò của các tài sản dự trữ ngoại tệ bổ sung (SDR) như khả năng thanh toán tiền mặt quốc tế, đồng thời mở rộng “rổ” tiền tệ SDR bao gồm cả các đồng tiền của các nước đang phát triển lớn. Đây là một yêu cầu quan trọng của LHQ và cũng là một biện pháp từ bỏ đồng USD, một biện pháp báo hiệu các cuộc xung đột quốc tế lớn về vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Qua một thập kỷ áp dụng chính sách tiền tệ lỏng lẻo, Mỹ không những tạo ra quả bóng tài chính thảm khốc đẩy thế giới vào tình trạng trì trệ mà thường xuyên làm mất giá đồng USD so với các đồng tiền khác. Tiến trình này tăng lên vì cuộc khủng hoảng, khi Chính quyền Obama tìm cách trợ cấp các nhà xuất khẩu Mỹ và họ sử dụng việc mất giá của đồng USD để thúc đẩy tính cạnh tranh.

Nguy cơ sụp đổ của đồng USD chỉ là một trong những mối nguy hiểm kinh tế được nêu lên trong bản báo cáo. Đánh giá nổi bật của báo cáo về tốc độ tăng trưởng kinh tế bị bao phủ bởi những nguy cơ đối với các lĩnh vực khác từ giá lương thực tăng, mức sống giảm, khả năng vỡ nợ chủ quyền và mất ổn định của các hệ thống tiền tệ.

Trong năm qua, giá lương thực tăng 36% và giá khí đốt tăng 60%. Giá năng lượng và lương thực tăng làm giảm đáng kể các khoản thu nhập thực tế của tầng lớp lao động trên thế giới. Nếu giá cả tiếp tục tăng như mức hiện nay, nó có thể đẩy 64 triệu người xuống dưới mức thu nhập nghèo đói là 1,25 USD mỗi người/ngày. Nếu giá cả tiếp tục tăng như mức hiện nay, cộng với các biện pháp chống lạm phát của các chính phủ sẽ làm chậm mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới khoảng 0,7 điểm phần trăm năm 2011 và 1 điểm phần trăm năm 2012.

Báo cáo của LHQ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của thế giới phát triển hết sức ảm đạm, phục hồi “vẫn yếu kém” và có khả năng chỉ đạt mức “vừa phải”. Mức tăng trưởng yếu ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt tại các nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang đối mặt với các biện pháp khắc khổ do tác động của cuộc khủng hoảng nợ quốc gia. Năm nay, các biện pháp khắc khổ thậm chí sẽ được thắt chặt hơn và sẽ tác động bất lợi cho mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trên phạm vi toàn cầu, báo cáo của LHQ đưa ra lý lẽ và mô tả đặc tính của khoản cứu trợ ngân hàng năm 2008-2009 cũng như vai trò của nó trong cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền hiện nay. Báo cáo nhấn mạnh: “Rõ ràng do các chương trình cứu trợ quy mô lớn của các chính phủ 2 năm qua, các rủi ro trong khu vực tài chính tư nhân, đặc biệt khu vực ngân hàng, đã ảnh hưởng đến khu vực công”. Vì vậy rủi ro của khu vực ngân hàng được xã hội hóa, trong khi các khoản lợi nhuận được tư nhân hóa. Thông qua một chương trình khắc khổ toàn cầu, vòng cắt giảm ngân sách hiện nay đang được sử dụng để giảm chi tiêu của các chương trình xã hội và chuyển số tiền đó vào két sắt của các ngân hàng. Và nếu vấn đề này không được thực hiện để làm thỏa mãn các nhà lãnh đạo tài chính, họ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt, như việc các ngân hàng châu Âu đặt ra các điều kiện khắt khe đối với Hy Lạp. Tất cả những hành động đó không những báo trước các cuộc khủng hoảng tài chính, mà còn trực tiếp đối đầu với các biện pháp khắc khổ, đấu tranh giữa một bên là giai cấp lao động và bên kia là các ngân hàng và các chính phủ.

Nguyễn Hữu Trung (P/v TTXVN tại LHQ)