07:06 20/07/2021

LHQ cảnh báo bạo lực gia đình, hôn nhân cưỡng bức gia tăng ở Sudan

Một nghiên cứu do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đơn vị chống bạo lực đối với phụ nữ của Chính phủ Sudan (CVAW) công bố ngày 19/7 cảnh báo điều kiện kinh tế suy thoái kể từ năm 2020 và tác động của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình và hôn nhân cưỡng bức ở nước này.

Chú thích ảnh
Ngày 21/6/2021 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an LHQ họp về tình hình Nam Sudan và hoạt động của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại nước này (UNMISS). 

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, nghiên cứu có tiêu đề “Tiếng nói từ Sudan 2020”, được xem là bản đánh giá định tính đầu tiên ở phạm vi quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới (GBV) ở Sudan. UNFPA và CVAW cho rằng giải quyết vấn đề trên là một ưu tiên quan trọng ở nước này.

Báo cáo đề cập đến các mối quan tâm chính, bao gồm bạo lực thể xác trong gia đình, do người chồng gây ra với vợ, anh em trai chống lại chị em gái, cũng như áp đặt các hạn chế về di chuyển đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, báo cáo cũng quan tâm đến nạn bạo lực tình dục, đặc biệt đối với phụ nữ làm công việc phi chính thức, cũng như phụ nữ mất nơi ở và tị nạn khi di chuyển ở bên ngoài trại, người khuyết tật…

Theo báo cáo, tình trạng hôn nhân cưỡng bức cũng là điểm “nổi bật” ở Sudan. Hầu hết các cuộc hôn nhân cưỡng bức được sắp xếp giữa các thành viên của cùng một bộ lạc hoặc họ hàng mà không có sự đồng thuận của nữ giới.

Nghiên cứu cho thấy tình hình kinh tế khó khăn nghiêm trọng của Sudan kể từ năm 2020 và tác động của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng bạo lực, đặc biệt là bạo lực gia đình và hôn nhân cưỡng bức. Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý “dữ liệu bạo lực giới còn thiếu rất nhiều, không có đánh giá toàn quốc nào được thực hiện trong vòng 30 năm qua và thiếu dữ liệu định tính cũng định lượng nói chung”.

Để thực hiện nghiên cứu trên, UNFPA và CVAW đã tiến hành khoảng 215 cuộc thảo luận nhóm tập trung với các cộng đồng, 21 cuộc thảo luận với các chuyên gia về bạo lực giới, cũng như xem xét các nghiên cứu và đánh giá sẵn có. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8-11/2020, bao gồm 60 địa điểm và trại tị nạn. Dữ liệu sau đó được quét qua một phần mềm phân tích định tính theo mô hình đã được sử dụng lần đầu tiên ở Syria.

Tin, ảnh: Hữu Thanh (TTXVN)