03:01 25/03/2011

Leo thang bạo lực tại Trung Đông và Bắc Phi

Ngày 24/3 (giờ Việt Nam), đụng độ giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và những người biểu tình tại thành phố Taiz ở miền nam Yêmen đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương.

Ngày 24/3 (giờ Việt Nam), đụng độ giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và những người biểu tình tại thành phố Taiz ở miền nam Yêmen đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương.

Tân Hoa xã cho biết, gần 200 người biểu tình đã tuần hành từ trung tâm thành phố Al-Maafir tới Taiz để phản đối việc cắt điện tại Taiz. Trong khi họ cố gắng khởi động lại máy phát điện, phe ủng hộ chính phủ, trong đó có cảnh sát mặc thường phục, đã nổ súng ngăn chặn.

Cùng ngày, một vụ nổ lớn đã xảy ra gần một chốt kiểm soát của quân đội tại thành phố cảng Aden ở miền nam nước này. Các nhân chứng cho biết, một quả bom đã được ném vào chốt kiểm soát, sau đó, các binh sĩ dưới sự hỗ trợ của xe tăng đã bắn trả dữ dội. Tuy nhiên, chưa có báo cáo về thương vong. Tại tỉnh Shabwa, người dân đã chiếm giữ vũ khí và 43 xe của lực lượng bán vũ trang được triển khai tại 13 trong số 17 quận trong tỉnh.

Biểu tình phản đối Tổng thống Yêmen Saleh ở thủ đô Xana ngày 23/3.
Ảnh: AFP-TTXVN


Những người biểu tình đã lên tiếng phản đối lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 30 ngày do Tổng thống Ali Abdullah Saleh đề xuất và vừa được Quốc hội thông qua. Lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép trì hoãn thực thi hiến pháp, ngăn chặn các cuộc biểu tình và trao quyền lớn hơn cho lực lượng an ninh. Theo những người biểu tình, việc này có thể dẫn tới một cuộc "thảm sát" mới, nhưng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch của mình.
Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Dubai đã phá một vụ buôn lậu 16.000 khẩu súng từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tỉnh miền bắc Saada của Yêmen, thành trì của lực lượng nổi dậy người Shiite.

Cùng ngày 24/3, Anh và Đức đã cho rút phần lớn nhân viên đại sứ quán của các nước này tại Xana về nước, do lo ngại tình hình bất ổn tại Yêmen.
lTại Xyri, ngày 24/3 đã có ít nhất 15 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh tại tỉnh Daraa, là khu vực chủ yếu có người Sunni sinh sống và gần biên giới với Gioócđani. Tại Dahel, cách Daraa 25 km về phía bắc, 4 người cũng đã thiệt mạng trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ, trong khi 2.500 người khác đã tổ chức tuần hành tại thành phố Kharra gần đó.

Tổng thống Bashar al-Assad đã cách chức tỉnh trưởng Daraa do tình hình hỗn loạn tại đây. Đamát đã lên tiếng cáo buộc các tổ chức nước ngoài xúi giục làm gia tăng tình trạng bất ổn ở Xyri.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chỉ trích việc sử dụng vũ lực đối phó với những người biểu tình tại Xyri. Ông Ban Ki-Moon đề nghị tiến hành một cuộc điều tra minh bạch đồng thời kêu gọi chính phủ Xyri kiềm chế sử dụng vũ lực.

Tại Baranh, Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa đã bổ nhiệm 2 người Sunni vào ghế bộ trưởng y tế và bộ trưởng nhà ở, thay thế cho hai bộ trưởng người Shiite mới từ chức để phản đối chính phủ. Người phát ngôn cơ quan thông tin của Baranh, Maysoon Sabkar, cho biết hiện có 18 người đang được điều trị do bị thương trong các cuộc đụng độ.

Phong trào thanh niên 14/2 của nước này đã kêu gọi qua mạng Internet tổ chức đồng loạt các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vào ngày 26/3 (giờ Việt Nam) nhằm phá vỡ thế bao vây từ các binh sĩ của lực lượng "Lá chắn Bán đảo" của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) triển khai giúp duy trì an ninh tại Baranh. Theo kế hoạch này, các cuộc biểu tình sẽ diễn ra tại Sitra, Karzakan, Dar Kulaib, khu vực gần sân bay quốc tế Baranh, Pearl Roundabout, Sanabis và nhiều khu làng khác.

Quang Minh