05:09 22/05/2014

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vô giá trị

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo chiều 21/5 của Cục Kiểm ngư tại Hà Nội.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo chiều 21/5 của Cục Kiểm ngư tại Hà Nội về việc Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu từ ngày 16/5/2014 tại khu vực bao gồm cả vùng biển của Việt Nam.


Ngư dân vẫn hoạt động bình thường


Theo ông Nguyễn Văn Trung, việc Trung Quốc áp dụng quy định ngừng khai thác có thời hạn đã lặp lại nhiều lần trong nhiều năm trở lại đây. Đây là việc làm gây ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất, khai thác đánh bắt cá và đời sống ngư dân, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc đưa ra mốc thời gian cấm thường từ ngày 16/5 - 1/8 hàng năm. Theo đó, ngoại trừ một số nghề đánh bắt như nghề lồng bẫy, câu, lưới rê…, tất cả các hoạt động đánh bắt cá khác đều bị cấm.

 

Ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng chuyển cá lên bờ khi tàu cập cảng. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Điều đáng nói là phạm vi lệnh cấm của Trung Quốc từ 5 độ vĩ bắc trở lên. Đây là khu vực bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam. “Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng chủ quyền của họ quá rộng, thể hiện tham vọng bành trướng. Hành động này ảnh hưởng đến nghề cá của nhiều nước, trong đó có Việt Nam”, ông Trung khẳng định.


Trao đổi với phóng viên về lệnh cấm này ảnh hưởng của ngư dân Việt Nam, ông Trung nhấn mạnh: “Quy định này chỉ có hiệu lực đối với ngư dân Trung Quốc, còn với ngư dân Việt Nam thì hoàn toàn không có giá trị. Chúng tôi đã chỉ đạo ngư dân vẫn khai thác, đánh bắt bình thường”.


Tàu Việt Nam tiếp cận gần giàn khoan hơn


Theo Cục Kiểm ngư, trong ngày hôm qua (21/5), phía Trung Quốc đã giảm 1 tàu so với hôm trước, hiện còn khoảng 137 tàu hoạt động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương - 981 mà nước này hạ đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn duy trì các biện pháp đấu tranh tuyên truyền đối với các tàu của Trung Quốc. Tàu Việt Nam cũng đã tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 ở khoảng cách gần hơn so với những ngày trước đó.


Tuy nhiên, khi còn cách giàn khoan này khoảng 5 - 6 hải lý, tàu Trung Quốc đã bố trí thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 8 - 10 tàu (gồm tàu hải cảnh, tàu kéo, tàu cá) để sẵn sàng đâm va, phun nước vào tàu Việt Nam.


“Mặc dù vậy, tàu cá Việt Nam vẫn tham gia hoạt động sản xuất và đấu tranh bảo vệ ngư trường truyền thống quanh khu vực cách giàn khoan Hải Dương - 981 khoảng 6 - 7 hải lý. Các tàu kiểm ngư vẫn tăng cường hỗ trợ, bảo vệ ngư dân ta”, ông Nguyễn Văn Trung cho biết.


Cũng trong ngày 21/5, thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn bố trí các tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 trên nhiều hướng. Trên mỗi hướng, Trung Quốc tăng cường từ 2 - 3 tàu kéo loại lớn. Các tàu này luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, trong ngày, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã áp sát, đe dọa, chặn, ép tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá Việt Nam.


Cụ thể, lúc 8 giờ 5 phút, tàu Trung Quốc số hiệu 3411 thường xuyên theo sát tàu Cảnh sát biển 8003 của Việt Nam ở khoảng cách 1 hải lý. Lúc 8 giờ 38 phút, tàu Cảnh sát biển 8001 đã phát hiện 1 máy bay trinh sát của Trung Quốc số hiệu J-9-B7175 ở độ cao 300 mét bay xung quanh khu vực tàu Cảnh sát biển 8001 để quay phim, chụp ảnh các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đến 8 giờ 48 phút, máy bay này mới bay về và hạ cánh trên giàn khoan Hải Dương - 981.


Tiếp đó, lúc 8 giờ 40 phút, tàu Cảnh sát biển 8003 phát hiện 1 máy bay trực thăng của Trung Quốc bay xung quanh giàn khoan Hải Dương - 981 ở độ cao 200 -300 mét. Lúc 9 giờ 15 phút, khi tàu Cảnh sát biển 4032 của Việt Nam hoạt động ở Nam Đông Nam cách giàn khoan 7,5 hải lý, các tàu Trung Quốc số hiệu 2101, 32101 đã tiếp cận và sẵn sàng đâm va vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam.


Đến 9 giờ 20 phút, tàu Cảnh sát biển 8003 lại phát hiện máy bay trực thăng của Trung Quốc số hiệu B7115 bay lượn 4 vòng xung quanh tàu ở độ cao 100 đến 150 mét. Lúc 9 giờ 45 phút, máy bay này bay về và đậu trên tàu 3383 của Trung Quốc. Lúc 10 giờ 10 phút, tàu Cảnh sát biển 8003 quan sát xung quanh khu vực phát hiện có 66 tàu Trung Quốc.


Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, tất cả cán bộ, chiến sỹ luôn xác định tốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, thực hiện đúng đối sách đề ra.


Thu Phương - Nam Hoàng - TTN