05:17 05/05/2019

Lễ tưởng niệm 768 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu

Ngày 5/5, tại Di tích quốc gia đặc biệt An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn (Hải Dương), UBND huyện Kinh Môn đã tổ chức Lễ tưởng niệm 768 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu (1251 - 2019) và Lễ đúc chuông chùa Tường Vân.

Chú thích ảnh
Lễ rước bộ lên Đền Cao.

Di tích quốc gia đặc biệt An Phụ (Đền Cao An Phụ) thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Liễu sinh năm 1211 và mất năm 1251, là thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người ba lần lãnh đạo quân dân ta kháng chiến đánh tan quân Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập dân tộc. 

Đức Thánh An Sinh Vương Trần Liễu - người có công lớn trong việc tạo dựng nhà Trần, là anh ruột của Trần Cảnh - vị vua đầu tiên triều Trần. Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), triều đình cắt đất ở các xã An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hương, An Bang (nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho Trần Liễu làm thái ấp và phong ông làm An Sinh Vương. Sau khi được cắt đất lập ấp, An Sinh Vương Trần Liễu giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, ra sức giúp nơi đây thành vùng giàu có, trung tâm văn hóa, khoa bảng nở rộ.

Sau khi An Sinh Vương Trần Liễu mất, đền thờ ông được lập trên đỉnh núi An Phụ và từ đó ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội Đền Cao An Phụ, nhân dân khắp nơi về làm lễ dâng hương tri ân công đức của ông.

Năm 1992, Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao An Phụ được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Ngày 22/12/2016, khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức đọc văn tế An Sinh Vương Trần Liễu.

Lễ tưởng niệm 768 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu gồm phần lễ và phần hội. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Diễn văn cung tuyên thân thế, sự nghiệp của An Sinh Vương Trần Liễu; sau văn tế, các đại biểu và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu và rước lễ vật; nghi lễ trì trú niệm Phật; lễ rót đồng đúc chuông. Phần hội có các nội dung: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ người Việt; hát chèo, hát dân ca.

Tọa lạc giữa hai đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ là ngôi chùa Tường Vân cổ kính (tục gọi là chùa Cao) thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ  -Nhẫm Dương. Chùa Tường Vân được xây dựng từ thời Trần. Theo sử sách ghi lại, trước kia chùa có quả chuông rất lớn, trải qua biến cố lịch sử và thiên nhiên phong hoá nay chuông đã không còn, mặc dù chùa đã nhiều lần trùng tu tôn tạo.

Nhân dịp Lễ tưởng niệm 768 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu (1251 - 2019), UBND huyện Kinh Môn đã tiến hành đúc chuông chùa ngay trong khuôn viên khu di tích dưới sự chứng kiến của các đại biểu cùng phật tử chùa Tường Vân và du khách thập phương.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ đúc chuông chùa Tường Vân.

Chuông chùa được đúc bằng đồng đỏ nặng 1,1 tấn, cao 1,8 m, đường kính 1,1 m. Chuông làm theo mẫu chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn, Hải Phòng), là mẫu chuông bố cục trang trí đẹp, có niên đại thế kỉ 13 - 14 là thời nhà Trần, cũng là thời kỳ phát triển của chùa Tường Vân.

Việc đúc chuông chùa Tường Vân nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy các giá trị của quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, đặc biệt là kế thừa tinh hoa nghệ thuật đúc chuông cổ truyền kết hợp với đúc chuông hiện đại để bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa Phật giáo.

Tin, ảnh: Hiền Anh (TTXVN)