09:22 06/09/2015

Lễ Quốc khánh rực rỡ dưới mắt nhà báo Australia

Ngày 2/9, Việt Nam tưng bừng kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 với cuộc duyệt binh quy mô, những bộ đồng phục và sắc màu rực rỡ, cờ hoa rợp trời ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Phóng viên Phillip Adams của tập đoàn truyền thông ABC đã có mặt tận nơi, chứng kiến lễ Quốc khánh này.


Đại diện nông dân khu vực miền Nam mang ảnh Bác Hồ diễu hành. Ảnh đăng kèm trong bài viết của nhà báo Phillip Adams trên trang mạng của hãng tin ABC.


Ông đã dành những dòng rất ấn tượng để miêu tả buổi lễ “rực rỡ, đầy sắc màu, lạ thường”. Đó cũng là tít cho bài viết tường thuật về lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 ở Việt Nam đăng trên trang mạng của hãng tin ABC kèm nhiều ảnh về các đoàn diễu binh, diều hành đầy màu sắc ở Quảng trường Ba Đình.

Đứng tại Quảng trường Ba Đình giữa một rừng người mặc đồng phục các kiểu, phóng viên Phillip Adams diễn tả sự choáng ngợp của ông về quy mô của sự kiện này: “Gộp hết tất cả những lễ hội lớn của Australia, tất cả các cuộc diễu hành, từ lễ hội Mardi Gras ở đường Oxford cho đến lễ hội Moomba ở Melbourne, hay những đám đông đến dự Thế vận hội Sydney, thì quy mô của tất cả các sự kiện đó cộng lại cũng không bằng quy mô của sự kiện Ngày 2/9 năm nay ở Việt Nam”.

Một trong những đoàn diễu hành của quân đội Việt Nam. Ảnh đăng kèm trong bài viết của nhà báo Phillip Adams


Từ lúc 6 giờ sáng, gần như mọi ngả đường trong nội đô thành phố Hà Nội đã được phong tỏa để phục vụ cho lễ diễu binh và hàng chục nghìn người đổ về lấp đầy khu vực Quảng trường Ba Đình, nơi cách đây 70 năm vang lên bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo bình luận của nhà báo Phillip Adams, cũng kể từ ngày 2/9/1945, Việt Nam phải oằn mình chịu những làn sóng của chiến tranh, khổ đau và ngày 2/9 này, chính quyền Việt Nam ăn mừng chiến thắng của họ. Chính quyền đã chi nhiều tiền cho công tác tổ chức và việc luyện tập của các đoàn diễu hành cũng đã kéo dài mấy tháng qua cho một ngày trọng đại. Nhà báo Adams tỏ ra khá lạ lẫm khi nhận thấy đoàn diễu hành đại diện cho 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam thực tế không phải là người dân tộc thiểu số mà chỉ là những người dân ở Hà Nội mặc trang phục dân tộc.

Nhà báo của ABC cũng cho biết phóng viên báo chí nước ngoài đã được đưa vào một khu vực riêng biệt, nơi khó khăn lắm họ mới quan sát được sự kiện qua đám đông chen chúc cả rừng người với những chiếc chân máy ảnh, máy quay phim. Ở đó không có nhiều người nước ngoài. Bên cạnh đoàn phóng viên ở Australia là nhóm phóng viên đài NHK của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự có mặt của các kênh truyền thông nội địa thì áp đảo hoàn toàn. Phần lễ trang trọng nhất của buổi lễ Quốc khánh là bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể lại cuộc đấu tranh lâu dài cho nền độc lập và tự do, cùng những triển vọng lạc quan về tình hình chính trị, văn hóa. Tiếp sau đó là loạt 21 phát đại bác hùng tráng.

Thiếu nhi Việt Nam trong điệu múa rồng và hoa sen. Ảnh đăng kèm trong bài viết của nhà báo Phillip Adams


Theo nhà báo Phillip Adams của ABC, các quốc gia có Đảng Cộng sản lãnh đạo như Trung Quốc hay Việt Nam thường dành những nghi thức như bắn pháo đại bác trang trọng này cho lễ khai mạc Thế vận hội Olympic hay cuộc duyệt binh như lần này. Ước tính có đến 8 triệu người cùng tham gia màn diễu binh kỷ niệm Ngày 2/9 năm nay. Họ thuộc đủ mọi lực lượng từ bộ binh, không quân, hải quân và các tầng lớp nhân dân đại diện công nông viên chức, học sinh, sinh viên. Tác giả nhận thấy điều đặc biệt trong không khí tại Quảng trường Ba Đình ngày này là niềm hạnh phúc ngời lên trên gương mặt mỗi người dân, dù tham gia đoàn diễu hành hay chỉ đơn giản đứng xem.

Quảng trường Ba Đình cũng là nơi đặt lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Phillip Adams bày tỏ hy vọng một ngày nào đó ông sẽ vào lăng viếng Người. Vào những ngày này, những hàng dài người dân địa phương xếp hàng lần lượt vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với thái độ thành kính. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông rất được ngưỡng mộ vì là lãnh tụ cách mạng, người chỉ huy tối cao.

Nhà báo Adams cho biết tâm điểm của lễ kỷ niệm này là thể hiện sự thống nhất trên cả nước, nhằm chứng minh rằng xã hội rất phức tạp này với các dân tộc thiểu số và sự khác biệt giữa các vùng miền trên thực tế là một quốc gia thống nhất.

Theo quan sát của nhà báo Phillip Adams, không phải tất cả mọi người ở thủ đô đều dành thời gian cho cuộc diễu binh trọng đại này, không ít người đã tận hưởng ngày nghỉ của họ trên những con phố mua bán sầm uất hay chỉ đơn giản là đi chợ nấu cơm như thường ngày, bởi lẽ với nhiều người, những cuộc diễu binh như thế này họ đã được chứng kiến nhiều lần và họ muốn dành thời gian cho những việc khác.

Kết luận bài tường thuật, nhà báo Adams cho biết Hà Nội ngày 2/9 là một ngày nắng nóng và ẩm, kiểu thời tiết đặc trưng trong thời gian này của năm, đoàn người diễu hành ai cũng ướt đẫm mồ hôi trong các trang phục rực rỡ của mình, hẳn họ phải rất mệt, song cũng rất đáng giá để xem.

Khánh Linh (P/v TTXVN tại Australia)