08:14 21/08/2014

Lễ mừng cơm mới của dân độc La Hủ

Dân tộc La Hủ có nhiều lễ tết trong năm như lễ tết tháng 2 “gạ ma thú”, tết “gié khù chà”, tết Đông “cá tho tho”, tết “có nhẹ chà”, lễ cúng cầu mưa đầu năm mới “ù chì chì sự”, lễ cầu cho tra hạt “chá mí só”...

Dân tộc La Hủ có nhiều lễ tết trong năm như lễ tết tháng 2 “gạ ma thú”, tết “gié khù chà”, tết Đông “cá tho tho”, tết “có nhẹ chà”, lễ cúng cầu mưa đầu năm mới “ù chì chì sự”, lễ cầu cho tra hạt “chá mí só”... Trong đó, lễ mừng cơm mới “ồ xứ cha” là lễ quan trọng nhằm tạ ơn trời đất, tổ tiên và thần thánh phù hộ cho mùa màng bội thu, lúa trĩu bông, người dân có cái ăn không bị chết đói, cầu mùa sau được tốt hơn.


Lễ cúng mừng cơm mới của dân tộc La Hủ thường diễn ra vào dịp giữa tháng 8 dương lịch trùng vào ngày con rồng. Sáng sớm khi tiếng gà gáy sáng, những người trưởng thành trong gia đình đã thức giấc, người phụ nữ đun nước sôi, người đàn ông dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị các điều kiện cho lễ cúng cơm mới được diễn ra theo đúng quy trình và cách thức của dân tộc. Nước sương trên bông lúa đã ráo, người phụ nữ chủ trong gia đình được chọn để đi lấy bông lúa trên nương của nhà mình về làm lễ cúng. Người mẹ dẫn theo một người con gái nhằm dạy cách chọn và lấy bông lúa, kế thừa công việc sau này khi đi lấy chồng. Lên nương lúa, người phụ nữ sẽ khéo léo chọn ra những bông lúa dày và mẩy hạt. Chọn xong những bông lúa tốt, người phụ nữ bỏ vào cái gùi mang theo và cùng người con đi về.

 

Bàn thờ cúng tổ tiên được đặt nơi đầu giường của chủ nhà và chính người chủ phải thực hiện lễ cúng cầu sức khỏe, bình an và mùa màng bội thu, vật nuôi đầy đàn.

Về đến nhà người phụ nữ sẽ lấy những bông lúa bó lại treo ngược ở bếp để sấy khô. Bông lúa đã khô, người phụ nữ khéo léo tuốt hạt ra và giã thành gạo. Sau khi giã lúa thành gạo, người phụ nữ sẽ trộn đều với gạo cũ với ý nghĩa gạo mới và gạo cũ trộn đều sẽ tạo nên sự dung hòa giữa thành quả của mùa vụ trước và mùa vụ mới, kế thừa và phát triển thành quả đạt được, tiếp nối những vụ mùa bội thu tiếp theo. Bởi quan niệm của người dân tộc La Hủ thành quả có được của vụ mùa mới là sự kế thừa của vụ trước, cũng như ý nghĩa đưa người con đi theo lấy lúa và về cùng xem mẹ làm là để dạy con tiếp bước kế thừa kinh nghiệm của thế hệ đi trước, bảo ban con cái biết cách kế thừa và phát huy.

 

Sấy những bông lúa mới trên nương về, người phụ nữ cầm trịch trong gia đình tiến hành giã để đồ chín cúng tổ tiên thần linh.

Lễ cúng gồm cơm mới, cơm nhuộm vàng, các bộ phận con lợn mỗi thứ một ít và một quả trứng bỏ trên bát gạo, tất cả được đặt trên một cái sàng gạo. Người già trong gia đình đem mâm cúng lên đặt trên giường chính của gia chủ để làm nghi thức cúng tổ tiên, thần linh. Những người trong gia đình phải có mặt để cúng lạy tổ tiên. Thông thường bàn thờ của người La Hủ đặt trên đầu giường của gia chủ. Lời cúng mừng cơm mới cầu mong tổ tiên và các vị thần linh phù hộ cho gia đình, con cháu có một vụ mùa tươi tốt, gia đình có thóc lúa nhiều, mọi người khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.


Đối với dân tộc La Hủ, việc cúng mừng cơm mới được thực hiện đầu tiên ở gia đình trưởng họ. Những người con thứ đã lập gia đình phải chờ nhà anh trưởng cúng mừng cơm mới thì mới được cúng ở nhà mình. Vì theo quan niệm của người La Hủ, tổ tiên của trưởng dòng họ phải được thụ hưởng cơm mới đầu tiên sau đó mới đến người con thứ.

 

Thực hiện lễ cúng xong, người trong gia đình thừa hưởng lộc, người ngoài nhà không được ăn, vì chủ nhà sợ người khác sẽ lấy hết may mắn.

Mâm lễ cúng mừng cơm mới, chỉ những người trong gia đình mới được ăn. Các thành viên trong gia đình quây quần ở ngay giường chủ nhà để ăn, thể hiện sự đoàn tụ thống nhất và trao đổi những kinh nghiệm sản xuất để chuẩn bị cho một vụ mùa kế tiếp thắng lợi bội thu. Riêng bát cơm mới ở mâm cúng thì chỉ có người vợ gia chủ mới được ăn thể hiện vai trò và công lao lớn của người phụ nữ đóng góp trong việc ruộng nương.


Dân tộc La Hủ là dân tộc đặc biệt khó khăn, sinh sống duy nhất chỉ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) với dân số 10.465 người (năm 2013). Do phong tục tập quán lạc hậu, trước đây thường sống du canh du cư lại cư trú chủ yếu ở những khu vực vùng đồi núi cao, cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Hiện nay, do sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ nên văn hóa truyền thống của dân tộc La Hủ bị mai một và mất đi rất nhiều, trong đó có lễ mừng cơm mới. Lớp trẻ không còn nhớ và biết về phong tục tập quán của dân tộc mình. Nhiệm vụ đặt ra cấp thiết là các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư cả về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống và khôi phục bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc này để ngày một nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

 

Bài và ảnh: Việt Hoàng