02:00 03/02/2012

Lễ hội Đền Trần ở Thái Bình với tục rước nước sông Hồng

Lễ rước nước trên sông Hồng được tổ chức rất long trọng, đây là truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha ta, cũng là nhắc lại thưở xưa trước khi lên làm vua nước Đại Việt, tổ tiên Nhà Trần sống bằng nghề chài lưới.

Lê Quý Đôn chép trong sách Kiến Văn Tiểu Lục: “Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên (Long Hưng xưa) có bốn cái Lăng: Lăng Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông nhà Trần, lại có Lăng của bốn hoàng hậu...”.

Sách Đồng Khánh Ngự Lãm Dư Địa Chí Lược, ghi cụ thể hơn: “Miếu thờ các vua Trần ở xã Thái Đường (Hương Tinh Cương, phủ Long Hưng) hướng nam, trước miếu có ba gò Ấn Kiếm, sau miếu có bẩy gò Thất Tinh”.

Đoàn trống hội rước nước.


Các vua triều Trần trước đây, hàng năm thường về làm lễ tế tổ ở Thái Đường (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vào dịp đầu xuân. Điều này được thể hiện rất rõ qua bài thơ Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng của vua Trần Nhân Tông. Nhà vua đã mô tả rất sinh động một buổi hành lễ ở Thái Đường vào ngày 17/3/1288 (Mậu Tý):

Trên đường ra sông rước nước.


“Trường vệ thiên môn túc

Y quân thất phẩm thông

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết nguyên phong”.

Tạm dịch nghĩa:

Nghi trượng kéo qua nghìn cổng

Áo mũ các quan đủ cả bẩy phẩm

Ở đây có những người lính già đầu bạc

Luôn luôn kể chuyện thời nguyên phong.

Đây là buổi lễ báo công mừng chiến thắng trước mộ tiên tổ nhà Trần rất long trọng, trang nghiêm chưa từng có trong lịch sử phong kiến nước nhà, vừa có tính chất tôn giáo, vừa có tính nghi lễ, nghi thức quốc gia, mang đậm tinh thần tự tôn dân tộc.

Thi cỗ cá sau lễ rước nước ở đền Trần (Tiến Đức, Hưng Hà).


Trải qua gần tám thế kỉ, đến nay lễ hội truyền thống để tưởng nhớ các Vua Trần ở đền Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vẫn được long trọng tổ chức hàng năm. Trong lễ hội đầu xuân vẫn duy trì tổ chức lễ rước nước, lễ thi cỗ cá, thi thả diều, thi gói bánh chưng...

Lễ rước nước trên sông Hồng được tổ chức rất long trọng, đây là truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha ta, cũng là nhắc lại thưở xưa trước khi lên làm vua nước Đại Việt, tổ tiên Nhà Trần sống bằng nghề chài lưới. Lễ hội được tổ chức từ đêm ngày mười ba đến ngày mười tám tháng giêng âm lịch. Đêm ngày mười ba, ban tổ chức làm lễ dâng hương tại Đền Trần, sau đó đến sáng ngày mười bốn mới tổ chức lễ rước nước. Theo các thần tích, thần phả còn lưu lại tại làng Tam Đường-Thái Đường xưa và các cụ già trong làng cho biết: Thông thường là phải tổ chức lễ rước nước về đền các Vua Trần sau đó các làng mới được vào làm lễ tế theo ba tuần: Tuần Sơ, Tuần Át, Tuần Trung. Sáng ngày 14 tháng giêng, làng Tam Đường và các làng khác trong xã Tiến Đức đều tham gia lễ hội rước nước ở sông Hồng.

Mỗi thôn đều có kiệu Bát Cống. Kiệu đi đầu, hậu bành đi sau (trên hậu bành có một chiếc chum nhỏ dùng để đựng nước, phần cổ chum có buộc dây lụa đỏ). Mỗi kiệu có tám trai tân khoẻ mạnh, đầu chít khăn đỏ; phải là người có đức hạnh phẩm chất tốt mới được chọn khiêng kiệu. Hậu bành do bốn thanh nữ, ăn mặc gọn gàng có phẩm hạnh nết na, đạo đức mới được chọn khiêng. Kiệu của các thôn được khiêng sau kiệu rước nước. Đoàn rước nước có trống dong cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng, khởi từ đền thờ các Vua Trần ở làng Tam Đường đi đến cầu bến (đầu làng), sát với đền Bà (nơi thờ Huyền Trân công chúa).

Tiếp đó đoàn rước đến chùa hội đồng – (nơi trước đây có để ngai thờ các vua Trần, Hoàng hậu nhà Trần và bà Huyền Trân công chúa- nhân dân địa phương suy tôn bà là Mẫu). Tại sân chùa hội đồng, đoàn kiệu bắt đầu quay rồi đi vòng quanh đền, chùa rồi lên đê. Khi tới đê, đã có đội thuyền với hàng chục chiếc chờ sẵn dưới mép sông. Trên vệ đê, dưới thuyền, dọc đường đi tới bến sông cờ lễ hội cắm rợp trời, chiêng trống vang lừng, nhân dân đứng chật hai bên đường xem lễ hội rước nước. Lúc này kiệu được để lại trên bờ, bốn cụ già cao tuổi đức hạnh của làng bê chiếc chum nhỏ lên trên thuyền. Thuyền đưa bốn cụ ra tới giữa sông Hồng (ngã ba Tuần Vương), thuyền dừng lại giữa dòng nước trong xanh cuồn cuộn chảy.

Bốn cụ lão làng dùng gáo dừa (có cán dài) múc nước sông Hồng đổ vào chum. Sau khi nước đã đầy chum, thuyền ghé vào bờ, bốn cụ bê chum nước nhỏ đặt lên bành, dùng dây lụa đỏ chằng buộc chum nước rất cẩn thận để tránh bị đổ trong khi khiêng kiệu. Tám thanh niên ở kiệu đầu kính cẩn khiêng kiệu đi trước, hậu bành trên có chum nước đi sát kiệu đầu, các kiệu sau cứ thế cùng đồng loạt quay về đền Vua. Khi đem nước về đền lúc đó mới tổ chức cho các làng và các đoàn tới tế lễ. Sau từ ba đến năm ngày tế lễ, nước ở trong chum được lấy ra phân phát cho các giáp mang về chia cho các gia đình trong thôn làng để lấy phúc. Đây là một tập tục hay mà không phải ở nơi nào cũng có và vẫn được tổ chức thường xuyên như ở Đền Trần xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Trong phần hội của đền Trần xã Tiến Đức, ngoài tục rước nước ra thì việc tổ chức thi gói bánh chưng, thi làm cỗ cá, thi giã bánh dầy... để cúng các vua Trần vẫn được tổ chức hàng năm. Đây là những phong tục đẹp cần được bảo lưu và phát triển, hấp dẫn khách du lịch và cũng là thể hiện rõ tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của ông cha ta từ ngàn xưa truyền lại.

Đặng Hùng