02:18 24/02/2025

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ: 'Điểm hẹn' văn hóa đầu Xuân

Ngày 24/2, đông đảo người dân thành phố Lạng Sơn tham gia các hoạt động của Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ; hòa mình vào lễ rước kiệu quan lớn Tuần Tranh từ đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) về đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) diễn ra từ trưa đến chiều cùng ngày.

Chú thích ảnh
Rước bát hương Quan lớn Tuần tranh từ trong đền Kỳ Cùng ra kiệu để rước lên đền Tả Phủ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Người dân hai bên các tuyến phố từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn đã mở hội, làm các mâm lễ lớn để dâng cúng Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài và quan lớn Tuần Tranh - những người góp phần bảo vệ, phát triển vùng đất biên ải Xứ Lạng. Các tuyến đường như: Hùng Vương, Trần Đăng Ninh, Lê Lợi, Tam Thanh... trong ngày chính hội chật kín người. Nhiều đoạn, nhân dân, du khách phải nhích từng bước mới có thể di chuyển.

Chị Đỗ Thị Hạnh, nhà ở đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn cho biết, năm nào gia đình chị và nhiều hộ dân trên địa bàn đều làm mâm lễ với đủ các món ăn đặc sản, nhất là phải có một con lợn quay chín vàng, thể hiện lòng thành, tri ân công đức các bậc tiền nhân - những người có công bảo vệ biên ải và đặt nền móng cho hoạt động buôn bán ở phố chợ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn. Lễ hội cũng là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau ăn tiệc sum vầy. Các gia đình, khu dân cư cũng làm rạp để tổ chức hội, cùng nhau ca hát, nhảy múa, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân.

Chú thích ảnh
Nghi lễ quay kiệu trên đường rước từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Những ngày diễn ra lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, du khách đến thành phố Lạng Sơn được hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng, thưởng thức những món ngon, đặc sản riêng có của địa phương.

Anh Nguyễn Văn Thanh, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho hay, gia đình anh làm kinh doanh buôn bán khá bận nhưng năm nào vào dịp lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ cũng thu xếp lên thành phố Lạng Sơn dự hội để vừa khám phá nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, vừa tham quan, đi lễ đầu năm.

“Thực sự tôi chưa từng dự lễ hội nào lớn như lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Trong một tuần diễn ra các hoạt động lễ hội, nhân dân, du khách về rất đông. Người dân địa phương mặc những bộ trang phục truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Dao rất đẹp. Các gia đình ở hai bên đường đều trang hoàng nhà cửa, làm rạp, bày cỗ, ca hát, nhảy múa rất náo nhiệt”, anh Thanh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Rước kiệu tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Với đồng bào các dân tộc Lạng Sơn ở các huyện trong tỉnh, về với Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, vừa là để hòa mình vào không khí hân hoan, vừa để tìm bạn, giao lưu hát then, hát sli với những người có chung niềm đam mê đến từ các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Thái Nguyên...

Ông Trần Văn Chung, ở thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng kể, hằng năm, ông đều cùng với những người bạn trong làng về dự hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Năm nay, đoàn có 31 người, đã lên thành phố Lạng Sơn từ tối 23/2 để xem các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở phố đêm Kỳ Lừa và vui hội đêm cùng các gia đình.

Đến ngày 24/2, ông các bạn tham gia hội tranh đầu pháo Kỳ Lừa, xem cuộc thi quay vịt, quay lợn - hai món đặc sản của tỉnh. Đến trưa cùng ngày, cả đoàn hòa mình vào đoàn rước kiệu quan lớn Tuần Tranh từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng. Hơn 14 giờ cùng ngày, những người biết hát then, sli cùng nhau đến “điểm hẹn” ở Công viên tượng đài Hoàng Văn Thụ để tìm bạn, giao lưu hát then, hát sli với bạn hát trong và ngoài tỉnh, khi trời tối mới về.

Chú thích ảnh
Đoàn rước đi qua các dãy phố tại thành phố Lạng Sơn từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, được tổ chức để tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị quan đã góp phần xây dựng và phát triển đất nước nói chung, Xứ Lạng nói riêng là Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài (vị tướng thời hậu Lê, thế kỷ XVII, được thờ tại đền Tả Phủ) và quan lớn Tuần Tranh (thời Vua Hùng Vương thứ XVIII, được thờ tại đền Kỳ Cùng). Hai ông là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, mở mang phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Lạng Sơn nên được nhân dân địa phương thờ phụng, tổ chức lễ hội long trọng để tri ân...

Vũ Văn Đạt (TTXVN)