03:13 30/03/2012

Lễ hội Đền Hùng 2012: Nơi hội tụ của văn hóa, tâm linh dân tộc Việt

Bắt đầu từ ngày 5/3 âm lịch, các hoạt động của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng đã liên tục diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận, tạo một không khí lễ hội đậm đặc nơi mảnh đất cội nguồn của dân tộc...

Ngày 31/3 tới (tức 10/3 âm lịch), sẽ là chính hội của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Trước đó, bắt đầu từ ngày 5/3 âm lịch, các hoạt động của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng đã liên tục diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận, tạo một không khí lễ hội đậm đặc nơi mảnh đất cội nguồn của dân tộc...

Rước lễ vật dâng lên Quốc Tổ. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN


Điểm mới nhất trong phần lễ của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là lễ rước kiệu, đã diễn ra vào ngày 29/3 (tức 8/3 âm lịch). Đây là năm đầu tiên tỉnh Phú Thọ mở rộng quy mô rước kiệu ở các xã vùng ven, với tổng số lên tới 6 đoàn rước. Đặc biệt chương trình có sự tham dự của các đoàn ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Hoạt động này là cơ hội giúp cho các tổ chức UNESCO có thêm một nhìn nhận đầy đủ về giá trị của văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, xuất phát từ thời đại Hùng Vương dựng nước cần được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này, đồng thời góp phần vào việc hoàn thiện hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.

Đoàn rước kiệu của 6 xã vùng ven về Đền Hùng.


Khoảng 8 giờ sáng 29/3, 6 đoàn rước kiệu, gồm: Xã Hy Cương, Hùng Lô, Chu Hóa, Kim Đức, phường Vân Phú (TP Việt Trì) và xã Tiên Kiên (Lâm Thao) đã đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, phường về Đền Hùng. Kiệu rước gồm các lễ vật hoa quả cùng hàng trăm tùy tùng trong trang phục sắc màu rực rỡ cầm cờ đi trước, kèn trống theo sau, kết hợp múa sư tử đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến xem...

Những ngày vừa qua, trên mọi ngả đường dẫn đến chân núi Nghĩa Lĩnh nhộn nhịp hơn ngày thường rất nhiều. Đại lộ Hùng Vương nối từ cầu Việt Trì đến Đền Hùng dài trên 15 km được trang trí cờ hoa rực rỡ. Và nét mặt du khách về dự lễ hội ai cũng phấn khởi vì được dự ngày lễ trọng của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Thu, đến từ tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: "Bao nhiêu năm mong ước, hôm nay tôi mới có dịp về đất Tổ chiêm bái các vua Hùng, các bậc tổ tiên có công khai sơn phá thạch. Bản thân tôi rất tự hào về truyền thống ‘Uống nước nhớ nguồn’ của dân tộc".

Ông Nguyễn Văn Phấn ở Hà Giang vui vẻ cho biết: "Thấy Đền Hùng được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế, lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô với một không gian rộng lớn, tôi rất phấn khởi và tự hào mình là dòng giống Tiên Rồng".

Còn chị Nông Thị San, đến từ Cao Bằng, tâm sự: "Lần thứ ba tôi đến Đền Hùng, thấy nơi đây được đầu tư rất lớn, các nơi thờ tự được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm. Đường sá, các công trình phụ trợ như vườn hoa, cây cảnh được làm mới, vệ sinh môi trường năm nay sạch sẽ hơn, khu di tích có diện mạo khang trang hơn. Du khách về trẩy hội rất đông, chứng tỏ Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam".

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội, đã diễn ra triển lãm ảnh "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam"; tọa đàm về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ văn hóa tâm linh - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc"... Đây là những cứ liệu quan trọng để Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành trung tâm văn hóa - lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Trong phần hội, nổi bật nhất là các hoạt động quảng bá hát xoan và Liên hoan tiếng hát làng xoan lần thứ nhất... Cũng trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng 2012, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với quy mô rộng, từ TP Việt Trì cho đến trung tâm Lễ hội Đền Hùng và khu vực phụ cận, gắn với chương trình "Du lịch về cội nguồn" của 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Trong thời gian tổ chức lễ hội, tại khu di tích đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy; thi đấu bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ....

Theo kế hoạch, ngày 30/3, tại TP Việt Trì, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012 tổ chức khai mạc Hội thi bơi chải trên sông Lô, bế mạc Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc Cúp Hùng Vương 2012 và bắn pháo hoa tầm thấp, biểu diễn nghệ thuật quần chúng của đoàn các tỉnh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ngày 31/3 (tức ngày 10/3 âm lịch) - ngày chính hội, đồng thời cũng là ngày cuối cùng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012. Trong ngày 31/3, sẽ kết thúc các hoạt động phục vụ lễ hội như bế mạc các hội diễn văn hóa văn nghệ, hội trại, các hoạt động thể thao...

Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn