05:14 10/05/2017

Lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Ngày 10/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Giới thiệu sơ lược một số điểm mới của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) đánh giá cao tính cần thiết của việc ban hành Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trong bối cảnh hướng tới xây dựng nền kinh tế thể chế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như trước tình hình hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu và rộng như gần đây.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Quan trọng hơn là Luật Cạnh tranh hiện hành đang bộc lộ rõ những điểm không còn phù hợp như: việc xác định thế nào là một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh; trong đó, gồm cả hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan... Trong khi đó, các yếu tố để xác định thị trường liên quan là không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.


Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương bổ sung thêm, các quy định của Luật Cạnh tranh thực sự chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước.


Ông Tuấn nhấn mạnh, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn tới bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp; chưa có cơ chế và tiêu chí cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi; trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả.


Trước thực trạng đó, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở và định hướng bảo vệ môi trường cạnh tranh và hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Thông qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.


Đồng thời, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng; kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả cho công tác thực thi luật; Nhà nước phải đảm bảo vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường.


Ông Đặng Văn Nghĩa, đại diện Trường Đại học Ngoại thương đánh giá cao đạo luật này. Tuy nhiên, cần có các điều kiện miễn trừ vì trong những trường hợp có lý do chính đáng, thì cần cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán sản phẩm, nói đúng hơn là hạ giá sản phẩm. Doanh nghiệp có quyền quyết định sản lượng và giá bán của mình thì mới đáp ứng đúng tính chất của nền kinh tế thị trường.


Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thể chế hóa, hiện thực hóa và cụ thể hóa một cách nhanh chóng, kịp thời chủ trương xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, văn minh, cạnh tranh vì mục đích phát triển đất nước và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh mà Nhà nước đề ra.


Thạch Huê (TTXVN)