03:21 17/03/2023

Lấy ý kiến các tổ chức tôn giáo đối với đất liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo

Ngày 17/3, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức tôn giáo đối với đất liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tôn giáo nhất trí cao với tầm quan trọng cần thiết sửa đổi Luật Đất đai; cho rằng, qua 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 cho thấy có nhiều điều bất cập và sự nhận thức khác nhau đối với người thi hành giải quyết, xử lý tranh chấp đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013 là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, bất cập của luật và hoàn thiện cơ chế pháp lý về việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, trong đó có tổ chức tôn giáo, đồng thời đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan.

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bổ sung thêm cụm từ “theo quy định Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo” sau cụm từ “cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo" trong Khoản 1, Điều 203 quy định “Đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thành thất, thánh đường, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”. 

Bởi trên thực tế, các tổ chức tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, cơ sở tổ chức Phật giáo có rất nhiều tên gọi như chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường... nên cần thiết bổ sung cụm từ “theo quy định Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo” cho rõ nghĩa và bao hàm đầy đủ. Bên cạnh đó, việc bổ sung cụm từ “và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận” sau cụm từ “Nhà nước cho phép hoạt động” để giải quyết vấn đề có nhiều ngôi chùa được thành lập hàng trăm năm, chục năm trước khi tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (năm 1981) nên không có quyết định thành lập cơ sở tự viện...

Quan tâm đến những chế định Nhà nước thu hồi đất liên quan tổ chức tôn giáo đang sử dụng, Hòa thượng Thích Huệ Thông cho rằng, tại Khoản 2, Điều 138 quy định “Nhà nước thu hồi phần diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, cho mượn, cho thuê trái pháp luật, diện tích đất để bị lấn, bị chiếm”, nên bỏ cụm từ “diện tích đất để bị lấn, bị chiếm” vì điều này mâu thuẫn với Điều 18 quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Bởi trên thực tế, việc bị lấn, bị chiếm đất là ngoài mong muốn của các tổ chức tôn giáo nên Nhà nước phải bảo hộ.

Tương tự, Linh mục Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng, dự thảo luật không cho phép tổ chức tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc nhận chuyển nhượng và nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ các tổ chức, cá nhân (Điểm a, Khoản 6 Điều 49 Dự thảo), mặc dù Khoản 4 Điều 203 đã quy định và cho phép tổ chức tôn giáo được sử dụng đất khác (không phải đất tôn giáo).

Đồng thời, Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị bổ sung thêm nhu cầu sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là một trong những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và việc xác định đất tôn giáo, tín ngưỡng là một trong các nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (Điều 165 Dự thảo). 

Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, Điều 64 của dự thảo luật đã quy định việc xác định chỉ tiêu đất tôn giáo trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; đồng thời, Điều Khoản 2 Điều 203 dự thảo luật quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo”. Điều này dẫn đến khó khăn cho tổ chức tôn giáo trong việc xác định và xin giao đất để xây dựng cơ sở tôn giáo cũng như quá trình chính quyền địa phương việc giao đất cho tổ chức tôn giáo. Thực tế, hiện nay, mặc dù Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhiều lần đề xuất việc xin giao đất tại Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các cơ sở tôn giáo mới, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do Thành phố không có quy hoạch cụ thể về đất tôn giáo. 

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm như “khu rừng tín ngưỡng”; giải quyết sự chồng chéo trong quy định thẩm quyền công nhận Quyền sử dụng đất đối với tổ chức tôn giáo là UBND cấp tỉnh, đối với cộng đồng dân cư sử dụng là UBND cấp huyện, trong khi giữa cộng đồng dân cư và tổ chức tôn giáo có sự đan xen lẫn nhau; cụ thể hơn các quy định liên quan đến đất đa mục đích có yếu tố tâm linh; các quy định liên quan đến thẩm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo…

Chú thích ảnh
Ông Vũ Chiến Thắng (đứng), Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị. 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, đất đai là một lĩnh vực rộng, có tác động lớn đến đời sống xã hội vì vậy, việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của pháp luật khi đưa vào thi hành trong thực tế; đồng thời ghi nhận, cảm ơn đại diện các tôn giáo đã nghiên cứu kỹ lưỡng và có nhưng ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo luật, nhất là trong các điều khoản về đất liên quan đến tôn giáo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cảm ơn các chức sắc, chức việc các tôn giáo đã ủng hộ, đồng thuận với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và mong muốn các vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, vận động tín đồ, đồng đạo tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo đảm bảo pháp luật không chỉ thể hiện chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước mà còn phù hợp với yêu cầu cuộc sống với lợi ích hợp pháp của nhân dân…

Bài, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)