10:17 25/10/2018

Lấy phiếu tín nhiệm: “Thanh gươm” hay “quả tạ”?

Mỗi vị trí hẳn sẽ có tâm trạng, cảm xúc khác nhau tùy thuộc vào kết quả nhận được. Nhưng có lẽ, yếu tố quyết định phụ thuộc nhiều hơn vào thái độ của chính họ đối với việc lấy phiếu.

Chiều 25/10, Ban kiểm phiếu Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48/50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trước đó, các thủ tục và quy trình lấy phiếu đã được xem xét hết sức nghiêm túc và kỹ lưỡng. Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu và thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu. Các đại biểu bỏ phiếu kín. Kết quả là những con số thống kê chính xác tới phần chục nghìn.

Chú thích ảnh
Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN

Mỗi vị trí sau khi nhận được kết quả hẳn sẽ có tâm trạng, cảm xúc khác nhau, tùy thuộc vào tỷ lệ tín nhiệm cao mà họ nhận được. Có người phấn khởi vì nhận được tỉ lệ tín nhiệm rất cao của các đại biểu; có người buồn vì bị mức tín nhiệm thấp. Nhưng có lẽ, yếu tố quyết định tâm trạng, cảm xúc của người được lấy phiếu phụ thuộc nhiều hơn vào thái độ của chính họ với việc lấy phiếu.

Có ý kiến ở bên ngoài cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính “thủ tục”, bởi đây là công việc định kỳ và chỉ có 3 mức đánh giá Tín nhiệm cao-Tín nhiệm- Tín nhiệm thấp. Giống như 2 lần lấy phiếu trước, sau lần lấy phiếu này sẽ không có vị trí nào bị mất tín nhiệm, không có một chiếc ghế quyền lực nào bị thu hồi. Việc lấy phiếu tín nhiệm khác với “bỏ phiếu bất tín nhiệm” ở các chính thể phương Tây theo hình thức nghị viện, nơi việc bỏ phiếu của các nghị sĩ giống như một thanh gươm có thể chặt đứt sợi dây quyền lực của người đứng đầu hoặc cả nội các chính phủ.

Thế nhưng, suy xét một vấn đề chính trị luôn cần cách nhìn biện chứng, khách quan, trong đó phải tính cả tới các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội... Khái niệm “dân chủ tuyệt đối” không tồn tại trong thực tế ở bất cứ chính thể nhà nước nào; cũng như kết quả “chính xác tuyệt đối” không tồn tại trong bất cứ một cuộc bỏ phiếu, lấy phiếu nào.

Thực tế cho thấy, trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, mức “tín nhiệm thấp” thường rơi vào các vị trí đứng mũi chịu sào ở các lĩnh vực sát sườn với người dân, nơi luôn tồn tại sự đa dạng và khác biệt trong nhận thức. Cử tri bức xúc trước những vấn đề giáo dục, y tế, giao thông, xã hội…, nhưng cũng thông cảm nếu các bộ trưởng, trưởng ngành luôn thể hiện sự đau đáu, trách nhiệm trong tháo gỡ từng nút thắt trong mớ khó khăn tồn tại bấy lâu.

Thực tế cũng cho thấy, hai lần lấy phiếu trước đều đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Người được “tín nhiệm cao” tiếp tục phấn đấu để nhận được mức cao hơn nữa trong lần lấy phiếu sau, và đúng là có khá nhiều trường hợp như vậy. Với các bộ trưởng, trưởng ngành bị nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”, đây thực sự là một “quả tạ” treo lơ lửng, buộc họ phải rèn luyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhằm giành lại niềm tin của cử tri.

Không cần phải bàn thêm về sự cần thiết hay không cần thiết của việc lấy phiếu tín nhiệm. Sự đồng thuận cao của cử tri cả nước đã được kết tinh trong Nghị quyết số 35 Quốc hội khóa XIII “Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” với những quy định rất rõ về đối tượng, mục đích, nguyên tắc và căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Vấn đề quan trọng hơn, đó là quan điểm, thái độ của từng cá nhân được lấy phiếu. Với các đại biểu và cử tri, kết quả lấy phiếu là cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; nhưng với người được lấy phiếu tín nhiệm, nó phải là một “quả tạ” treo lơ lửng, có thể rơi xuống vị trí quyền lực của họ bất cứ lúc nào.

Lê Vũ Hội