11:06 14/11/2014

Lấy phiếu tín nhiệm cần sự thực chất

Trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 15/11, Quốc hội sẽ làm công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 15/11, Quốc hội sẽ làm công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Đây là lần thứ 2, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm chức danh lãnh đạo cao cấp trong bộ máy nhà nước. Cũng như lần bỏ phiếu đầu tiên, lần này, cử tri vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến tính thực chất của những lá phiếu tín nhiệm.

Thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội trong việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý rằng: "Đại biểu phải công tâm, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, chắt lọc thông tin qua ý kiến phản ánh của nhân dân để việc lấy phiếu đạt kết quả".

Nhìn lại gần 2 năm kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại Quốc hội, đã cho thấy hiệu quả bước đầu của công tác này. Dù chưa đặt nặng việc lấy phiếu để rồi bãi nhiễm hay thay đổi vị trí công tác của các chức danh, nhưng ít nhiều giúp họ nhận thức được mức độ tín nhiệm, từ đó có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả công tác của mình. Có đại biểu Quốc hội nhận định rằng, một số bộ trưởng trước đây chưa được đánh giá cao và nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp, thì chỉ sau 2 năm, họ đã có sự chuyển biến rõ rệt, sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Còn với Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả giám sát đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá đúng trình độ năng lực cũng như phẩm chất của cán bộ giữ các trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu nêu trên không phải là dễ dàng, bởi lĩnh vực quản lý, thực hiện nhiệm vụ của 50 vị lãnh đạo trên rất rộng lớn, bao trùm toàn bộ các mặt hoạt động của đất nước. Nếu không tìm hiểu kỹ, thu thập đầy đủ thông tin, đại biểu Quốc hội sẽ khó đưa ra được đánh giá chính xác về việc thực hiện nhiệm vụ của người mình bỏ phiếu. Bên cạnh đó, để có được sự công tâm, đại biểu Quốc hội phải tránh được sự tác động của những nhóm lợi ích trong xã hội.

Cử tri kỳ vọng đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu tín nhiệm phải tính lợi ích chung của đất nước, lợi ích của nhân dân. Muốn vậy, ngoài tinh thần trách nhiệm, đại biểu Quốc hội cũng cần tỏ rõ bản lĩnh của người đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân. Cử tri kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người dân cũng đặt trọn niềm tin vào các đại biểu Quốc hội và hy vọng các đại biểu tiếp tục nêu cao trách nhiệm của mình, để việc lấy phiếu tín nhiệm được thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có như vậy, cử tri mới thực sự tin tưởng vào chủ trương, cũng như những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Yến Nhi