05:07 31/05/2017

Lấy cộng đồng làm chủ thế thoát nghèo

Phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã triển khai hơn 1 năm và đạt những kết quả bước đầu. Phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Trọng Đàm về phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều trong thời gian qua:

Một ngôi của một hộ vừa thoát nghèo tại xã Vinh Tiền (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) xây được nhà khang trang.

Sau 1 năm triển khai bộ nhận diện công cụ nghèo theo phương pháp đa chiều, vẫn còn trường hợp trưởng thôn xây nhà to mà vẫn được xếp vào diện hộ nghèo, vậy để hạn chế những tồn tại như trên, phía Bộ LĐTBXH sẽ có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?


Thực tế khảo sát tại các địa phương, bộ công cụ nhận diện hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đo lường đa chiều là khách quan, khoa học và toàn diện. Phương pháp này không chỉ xác định nghèo thu nhập mà còn tính đến các thiếu hụt về các chiều dịch vụ cơ bản. Qua đó, các cơ quan quản lý có chính sách, nguồn lực tác động đúng đối tượng và từng vùng nghèo để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.


Để bộ công cụ đo lường sát với thực tế, quan trọng là người làm. Mới đây, báo chí có phản ánh hiện tượng trưởng thôn tại một xã của tỉnh Thanh Hóa được xét vàohộ nghèo nhưng có nhà xây khang trang,trong khi những gia đình nghèo thực sự lại bị loại khỏi danh sách. Điều này cho thấy, quan trọng vẫn là người làm, bộ công cụ dù có tốt đến đâu mà con người làm không đúng thì vẫn cứ sai.


Do đó, với những đối tượng không thuộc diện hộ nghèo mà bằng ý chí chủ quan vẫn đưa vào danh sách thì cần phê phán, loại trừ. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều là vấn đề mới, Bộ LĐTBXH sẽ lắng nghe ý kiến từ cơ sở và trong quá trình thực hiện, nếu thấy còn bất cập sẽ điều chỉnh. Vấn đề quan trọng là đào tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở sử dụng bộ công cụ này khách quan, không lồng yếu tố cá nhân trong quá trình làm việc.


Vậy trong thời gian tới, chính sách giảm nghèo sẽ được định hướng như thế nào, thưa ông?


Thực hiện giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn (2016-2020), chúng ta giảm cho không, thay vào đó là vừa cho vay ưu đãi thời gian dài, vừa huy động cộng đồng. Thực tế, giai đoạn giảm nghèo trước đây, nếu cho không sẽ phát sinh tiêu cực như đang ở với bố mẹ sẽ tách hộ, dựng nhà tranh vách đất để xin tiền hỗ trợ xây nhà …


Trước đây, huyện làm tất từ mua con giống, thuốc trừ sâu rồi phát cho người dân. Người dân muốn nuôi bò thì lại phát con dê, mùa vụ qua rồi thì mới phát cây giống…. Đó là những bất cập giai đoạn trước, nên giai đoạn giảm nghèo 2016-2020 hoàn toàn dựa vào cộng đồng, lấy người dân là chủ thể, động lực chính để thoát nghèo. Mọi vấn đề do người dân quyết định, xã sẽ không làm thay người dân. Đối với công trình hạ tầng, người dân tự họp bàn, thấy vấn đề cần làm trước thì kiến nghị với cấp chính quyền ưu tiên các nguồn vốn thực hiện.


Bên cạnh tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, các dự án hỗ trợ tập trung tạo việc làm, tạo sinh kế. Trong đó chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo, phổ biến kinh nghiệm làm ăn để cả người nghèo, cận nghèo và họ có điều kiện tham gia cùng làm ăn tại vùng lợi thế của địa phương.


Thưa ông, đâu là những điểm mới của chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020?


Chương trình tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Đồng thời, chương trình mang tính tích hợp các chương trình, dự án trước đây như: 30a, 135, xuất khẩu lao động… Việc thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; gắn kết với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 21 Chương trình có mục tiêu.


Quá trình thực hiện phân bổ vốn theo trung hạn, bảo đảm công khai, minh bạch. Nhà nước hỗ trợ cho những gì người dân không làm được, nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện


Nguồn lực thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước là chủ yếu với tổng vốn giai đoạn này khoảng 41.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng đặc biệt là sự đóng góp của người nghèo cũng đã được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.


Xin cám ơn ông!


Xuân Cường (thực hiện)/Báo Tin Tức