08:09 03/08/2020

Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ tính triển khai tên lửa siêu thanh tại Ấn Độ-TBD

Mỹ đang phát triển và chuẩn bị triển khai loạt tên lửa mới, trong đó có “vũ khí siêu thanh tầm xa có độ chính xác cao” tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Máy bay ném bom B-52 mang theo vũ khí tấn công siêu thanh tương lai ARRW tháng 6/2019. Ảnh: Không quân Mỹ

Đây là lời khẳng định mới nhất từ Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Tướng James McConville.

“Chúng tôi biết chúng tôi cần vũ khí tầm xa có độ chính xác cao. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và Mỹ cũng đang phát triển năng lực siêu thanh. Các cuộc thử nghiệm đã thành công. Chúng tôi sẽ sở hữu tên lửa tầm trung có thể bắn hạ tàu chiến”, đài Sputnik dẫn lời phát biểu của tướng McConville tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington vào tuần trước.

Mặc dù khẳng định địa điểm triển khai năng lực mới của quân đội Mỹ vẫn chưa được quyết định song Tướng McConville cho biết mục đích của Washington là “hiện đại hóa toàn diện quân đội Mỹ cũng như vượt qua bất kỳ đối thủ tiềm năng nào trong trường hợp xảy ra xung đột”.

Năm ngoái, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch bố trí tên lửa trên mặt đất mới tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sau khi đơn phương hủy bỏ Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ bao gồm Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thể hiện sự phản đối trước kế hoạch triển khai vũ khí chiến lược tại lãnh thổ của họ.

Trong một vài năm trở lại đây, các quan chức quân đội Mỹ nhiều lần bày tỏ nỗi quan ngại về quy mô ngày càng tăng và công nghệ ngày càng tinh vi của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh đã vượt Mỹ về tổng số lượng tàu chiến và đang sớm chuẩn bị bổ sung vào lực lượng này với hai chiến tàu sân bay mới cùng tàu tấn công đổ bộ mang theo trực thăng.

Cả hai quốc gia cũng đang chạy đua sản xuất vũ khí siêu âm thế hệ mới. Vào cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để chỉ đạo tăng cường sản xuất các bộ phận và linh kiện cho vũ khí siêu thanh và hệ thống phóng không gian. Mỹ đang đẩy mạnh việc chế tạo 9 loại tên lửa siêu thanh phóng từ trên không, trên biển và trên mặt đất riêng rẽ. Tên lửa đầu tiên dự kiến sẽ được phiên chế vào năm 2022.

Đầu năm, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đang nỗ lực để bắt kịp Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, chỉ ra các khoản đầu tư khổng lồ mà Bắc Kinh tập trung vào lĩnh vực này trong một vài năm trở lại đây.

Tháng 10/2019, Trung Quốc đã trình làng tên lửa tầm trung siêu thanh DF-17 mới tại cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm Ngày Quốc khánh. Trước đó một năm, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm thành công máy bay siêu thanh Xingkong-2.

Bảo Hà/Báo Tin tức