11:10 30/11/2022

Lầu Năm Góc nói không có kế hoạch gửi hệ thống Patriot cho Ukraine

Chuẩn tướng Patrick Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ hiện không có kế hoạch gửi các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine. 

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: AP

“Chúng tôi thảo luận về nhiều khả năng và hỗ trợ dành cho Ukraine, thường xuyên tham vấn với Kiev cũng như các đồng minh và đối tác về nhu cầu phòng thủ của họ. Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch cung cấp khẩu đội Patriot cho Ukraine, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận này. Chúng tôi sẽ thông báo khi có thông tin mới”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Ryder nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 29/11.

Tuyên bố của ông Ryder được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng Washington đang xem xét gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine để hỗ trợ hệ thống phòng thủ của nước này. Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ cho hay hệ thống phòng không Ukraine là “ưu tiên hàng đầu” của Washington.

Trước đó cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo sau ngày đầu tiên của cuộc họp cấp bộ trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho hay liên minh này đang thảo luận về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất bao gồm một tên lửa đánh chặn trên không và một hệ thống radar nhằm đánh chặn các đầu đạn của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, một trong những thách thức khi gửi Patriot hoặc các vũ khí tiên tiến khác tới Ukraine là các hệ thống này yêu cầu bảo trì và huấn luyện phức tạp. 

“Không có hệ thống nào trong số này là tự động, nên bạn không thể đưa nó ra chiến trường và bắt đầu sử dụng ngay lập tức,” ông Ryder giải thích.

Về phần mình, ngày 29/11, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố nếu NATO bắt đầu cung cấp cho Ukraine các tổ hợp Patriot, chúng sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. 

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã rót cho Kiev hàng tỷ USD viện trợ quân sự. Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên “bơm” vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột chứ không thay đổi được kết cục, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực diện giữa Nga và khối quân sự do Mỹ đứng đầu.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TASS, CNN)