04:07 14/04/2017

Lật tẩy 'bẫy' của những kẻ buôn người

Tội phạm về mua bán người thường lợi dụng sự cả tin của người dân nông thôn để đưa ra nhiều chiêu trò tinh vi như: Hứa hẹn đưa đi xuất khẩu lao động, sang nước ngoài phục vụ các quán ăn, nhà hàng với mức lương hấp dẫn hoặc kết hôn với người nước ngoài để có cuộc sống sung sướng.

Ngày 13/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có buổi làm việc với các sở, ngành hữu quan thành phố Cần Thơ về công tác ứng phó với nạn mua bán người trên địa bàn thành phố.


Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, tội phạm liên quan đến mua bán người ở các huyện trực thuộc thành phố ngày càng gia tăng, đặc biệt là các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ. Từ năm 2011 đến cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố đã phát hiện và thụ lý 16 vụ mua bán người gồm 27 đối tượng và 129 nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Đến nay, vẫn còn 17 nạn nhân bị mua bán sang Malaysia và Trung Quốc chưa xác định được tung tích; Công an thành phố đã đề nghị Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an hỗ trợ giải cứu.


Đại tá Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ cho biết, tội phạm về mua bán người thường lợi dụng sự cả tin của người dân nông thôn, chúng đưa ra nhiều chiêu trò tinh vi như: hứa hẹn đưa đi xuất khẩu lao động, sang nước ngoài phục vụ các quán ăn, nhà hàng với mức lương hấp dẫn hoặc kết hôn với người nước ngoài để có cuộc sống sung sướng. Do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cộng thêm mong muốn được đổi đời nên nhiều người đã rơi vào bẫy của các đối tượng mua bán người dựng lên. Nạn nhân chủ yếu của tệ nạn này là phụ nữ và trẻ em. Họ bị các đối tượng đưa sang các nước như Malaysia, Trung Quốc... ép bán dâm hoặc lao động khổ sai để trả nợ chi phí xuất cảnh. Ai không đồng ý sẽ bị đánh đập, giam giữ, không cho tiếp xúc với người xung quanh.


Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp chị em thông qua các cơ sở môi giới hôn nhân trái phép để đăng ký kết hôn với người ngoại quốc nhưng sau khi xuất cảnh thì bị gia đình chồng đánh đập, ngược đãi, gây ảnh hưởng đến tinh thần cũng như thể xác...


Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động–Thương binh và Xã hội Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, Sở luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và thực hiện những chương trình đào tạo nghề chính quy, uy tín, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh cũng như tạo công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.


Tuy nhiên, ở Cần Thơ công tác phòng chống mua bán người cũng gặp không ít trở ngại do trong nhiều vụ án, đối tượng phạm tội là người nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra; việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng ở các tỉnh nội địa còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều người dân do mặc cảm về hoàn cảnh, học vấn thấp, không nghề nghiệp, sợ bị cộng đồng kỳ thị nên không khai báo về trường hợp của mình để chính quyền địa phương kịp thời giúp đỡ.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng chức năng Cần Thơ trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý tội phạm theo báo cáo chưa tương xứng với tình hình và nguy cơ của địa bàn này.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, Cần Thơ là trung tâm của khu vực Tây Nam bộ, là đô thị đang phát triển, có điều kiện kinh tế, xã hội tốt hơn các địa phương xung quanh nên tội phạm mua bán người sẽ chọn nơi đây làm địa bàn tập kết để đưa nạn nhân đi các nơi khác. Vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người phải thực sự đi vào chiều sâu, giúp người dân cảnh giác với loại tội phạm này. Các sở, ngành liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để “tuyên chiến” với tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt; đồng thời tiếp tục có những quan tâm cụ thể, thiết thực trong việc giúp đỡ nạn nhân về mặt pháp lý và kinh tế - xã hội.


Dịp này, Đoàn khảo sát đã phối hợp với lãnh đạo thành phố Cần Thơ để nắm thông tin về việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác tiếp nhận, chính sách hỗ trợ nạn nhân; đồng thời, phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan để xác nhận, thu thập thông tin, xác minh điều tra hoạt động của tội phạm mua bán người; triển khai các biện pháp phòng ngừa tệ nạn mua bán người; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng...


Hồng Giang/TTXVN